Ai chịu thiệt sau cuộc đua "đốt tiền" của Go-Viet và Grab?

Google News

Trước khi Grab lao vào cuộc chiến với Go-Viet hiện nay, ứng dụng này cũng từng “đốt tiền” trong cuộc đua giành thị phần với Uber.

Sau thời gian ngắn tài xế hạnh phúc với Grab vì được hỗ trợ, khách hàng của hãng này cũng vui vẻ với khuyến mãi là câu chuyện tăng giá cước.
Những chuyến đi 5.000 đồng kéo dài đến đâu?
Sau gần một tháng ra mắt và áp dụng mức khuyến mại đồng giá 5.000 đồng cho mỗi chuyến “xe ôm” dưới 8 km tại 12 quận của TP.HCM, Go-Viet công bố cắt ngang chương trình lẽ ra kéo dài 6 tháng. Khuyến mãi đồng giá vẫn được ứng dụng gọi xe công nghệ đến từ Indonesia này áp dụng, nhưng mức 5.000 đồng đã nâng lên 9.000 đồng cho mỗi chuyến xe dưới 8 km và địa bàn 12 quận trước đây nâng lên 15 quận.
Là khách hàng thân thiết sử dụng dịch vụ xe ôm 5.000 đồng “đi khắp nơi” của Go-Viet ngay từ đầu ra mắt tại TP.HCM, chị Lan, một nhân viên truyền thông nhà ở quận Phú Nhuận, cho rằng việc tăng giá là đương nhiên ai cũng thấy, chỉ có điều ứng dụng gọi xe này đổi giá quá nhanh so với tuyên bố khi vừa đặt chân đến Việt Nam.
Ai chiu thiet sau cuoc dua
Thị trường gọi xe máy sôi động hơn khi Go-Viet xuất hiện. 
Ngày 1/8, Go-Viet gây chú ý với người tiêu dùng TP.HCM khi công bố ra mắt và tung khuyến mãi đồng giá 5.000 đồng cho những chuyến đi dưới 8 km có điểm đón là các quận nội thành.
Ngoài số tiền nhận từ khách hàng (5.000 đồng), sau mỗi chuyến đi, tài xế được công ty trả thêm 25.000 đồng, nhằm đảm bảo thu nhập tối thiểu 30.000 đồng/cuốc xe.
Chiêu khuyến mãi đồng giá 5.000 đồng của Go-Viet được cho là sốc và chưa có hãng nào từng có mặt tại Việt Nam áp dụng. Ngay cả Mai Linh Bike, được đánh giá là có giá cước rẻ nhất thị trường vì không áp dụng tăng giá giờ cao điểm, cũng có mức cước tối thiểu 2 km đầu tiên 11.000 đồng. Giá mỗi km tiếp theo là 3.700 đồng.
Cước phí rẻ bất ngờ, tài xế được trợ giá cao khiến Go-Viet mới có mặt vài ngày đã nhận sự phản hồi tích cực. Tài xế nhiều hãng, trong đó đông nhất là Grab, đầu quân về Go-Viet, mong thoát mức chiết khấu nặng nề. Trên nhiều tuyến đường, màu áo đỏ của Go-Viet thậm chí còn lấn át màu xanh lá “làm mưa làm gió” lâu nay của GrabBike.
Chiến thuật giá 5.000 đồng rồi lên 9.000 đồng cho mỗi cuốc xe dưới 8 km của Go-Viet thực tế mang lại lợi ngay trước mắt cho khách hàng vì được di chuyển với giá rẻ. Chị Lan nói rằng chưa có một ứng dụng gọi xe công nghệ nào khiến chị “gật đầu đồng ý” tải về sử dụng nhanh như với Go-Viet. Lý do chị ưu tiên vì mức giá quá ngạc nhiên.
“Di chuyển ở Sài Gòn bằng xe ôm, đoạn đường ngắn đến đâu khách cũng khó trả mức giá dưới 20.000 đồng, đó là chưa kể mình hay ngại đi đường ngắn, cước thấp nên luôn bo thêm. Đi xe công nghệ có hãng bù chi phí cho tài xế, mình cầm 10.000 trả một chuyến đi mà không ngại ngần gì, thật sự rất hào hứng”, chị Lan nói.
Nhưng nếu những khách hàng như chị Lan hào hứng một, thì các điểm bán hàng vui gấp nhiều lần từ khi hãng xe công nghệ đến từ Indonesia tham gia thị trường. Theo chia sẻ của một chủ shop quần áo online, nhiều chủ shop đã bỏ túi kha khá từ khi sử dụng dịch vụ của Go-Viet.
Cụ thể, chủ hàng này cho biết mức phí ship hàng khu vực nội thành TP.HCM lâu nay mặc định ở mức khoảng 20.000 đồng và phần lớn khách nhận hàng sẽ trả cho người vận chuyển hoặc trả trước luôn cho chủ shop. Từ khi có sự tham gia của Go-Viet, các shop này sử dụng dịch vụ với giá 5.000 đồng/lần giao hàng ở các quận quy định, nhưng vẫn thu luôn mức phí thấp nhất là 20.000 đồng. Tức mỗi chuyến giao hàng với dịch vụ này, khách mua đã vui vẻ góp thêm 15.000 đồng vào túi của các shop bán hàng.
Trên trang cá nhân, ông Andre Soelistyo, Chủ tịch Go-Jek, công ty mẹ Go-Viet, vừa đăng tải thông tin, khẳng định chỉ trong vòng 3 ngày kể từ khi ra mắt thị trường, Go-Viet đã chiếm tới 10% thị phần vận tải tại TP.HCM. Và hiện thị phần nằm trong tay Go-Viet đã lên tới 15%. Công ty cũng chuẩn bị tiến ra Hà Nội cuối tuần này.
Ai chiu thiet sau cuoc dua
 Số tài xế Go-Viet tăng lên nhanh chóng.
Chỉ có khách hàng, tài xế chịu thiệt
Grab đã thể hiện sự sốt ruột của mình sau 1 tháng Go-Viet xuất hiện. Trong khi Go-Viet nâng cuốc xe đồng giá lên 9.000 đồng thì Grab tung ra chương trình khuyến mãi sốc y hệt Go-Viet. Các cuốc xe GrabBike dưới 8 km được tính đồng giá 5.000 đồng, áp dụng từ cuối tháng 8. Ngoài ra, nhiều khách hàng còn nhận được thông báo khuyến mãi chuyến đi dưới 8 km có giá 2.000 đồng, miễn phí các cuốc dưới 5 km ở một số quận trung tâm TP.HCM.
Một số khách hàng đánh giá chiêu khuyến mãi sốc của Grab là cách xuống nước, lấy lại lòng tin của người dùng sau một thời gian độc quyền, tăng giá vô tội vạ. Tuy nhiên, thực tế thì đây là bài cũ Grab từng mang ra đấu với Uber trước đây và nay soạn lại với Go-Viet.
Câu chuyện là sau cuộc đua đốt tiền giành khách, giành tài xế, các hãng xe công nghệ này sẽ lấy lại tiền từ túi chính khách hàng và tài xế của mình, bằng một cách cũ, là tăng cước, tăng chiết khấu.
“Bên nào thắng cũng có lợi cho người dùng, nhưng quan trọng làm ăn phải đàng hoàng chứ không chụp giật. Bằng chứng là sau khi chiếm được thị trường, Garb đã chuyển từ trạng thái thu hút - lôi kéo - chiều chuộng sang chèn ép - hạch sách tài xế, và mặc kệ người sử dụng dịch vụ”, chị Lan chia sẻ.
Chị Lan khẳng định đúng là dịch vụ nào giá tốt thì sẽ thu hút được khách hàng. Nhưng đó chỉ là cái lợi trước mắt, còn về lâu dài thì khi một trong 2 hãng trở thành độc quyền, khách hàng sẽ chịu thiệt, vì không còn lựa chọn.
Còn nhớ khi mới hoạt động tại Việt Nam, Grab được nhiều người cho rằng đó là hãng xe công nghệ giá rẻ, nhiều khuyến mãi hấp dẫn, nhiều khách hàng ưa chuộng, đó là khi Grab cạnh tranh với đối thủ Uber.
Thời điểm 2014-2015, cả Grab và Uber đều "dùng tiền như nước". Hai hãng thi nhau liên tục khuyến mãi, tặng mã giảm giá, tặng những chuyến đi miễn phí khách, trao thưởng cho tài xế chạy vượt định…
Sau khi Uber rút khỏi Việt Nam, tài xế Grab cho biết họ bị đối xử quá bất công như chiết khấu tăng vô tội vạ, khóa luôn tài khoản mà không cần trao đổi trước. Và tài xế mang nhưng ức chế, dồn nén của mình với hãng ra ứng xử với khách hàng.
Chia sẻ với Zing.vn, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội, nói việc Go-Viet tung các chương trình khuyến mãi để thu hút cả tài xế và khách hàng cũng chỉ là áp dụng chiêu thức cũ của Grab. Khách hàng có thể đến Go-Viet bằng giá rẻ thì cũng có thể bỏ đi khi không còn khuyến mại, giá cả tăng lên, không khác cách quan hệ với Grab trước đây.
Theo Thiên Trang/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)