Theo Bloomberg, năm 2021 là một trong những thời điểm tốt nhất để trở thành tỷ phú USD. Đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành, nhưng các thị trường chứng khoán tăng vọt. Mọi thứ từ nhà đất, tiền mã hóa đến hàng hóa đều tăng giá phi mã, giúp khối tài sản của 500 người giàu nhất thế giới tăng 1.000 tỷ USD.
10 tỷ phú nằm trong "câu lạc bộ 100 tỷ USD", hơn 200 người nắm giữ khối tài sản hơn 10 tỷ USD. Elon Musk - CEO hãng xe điện Tesla - có khối tài sản tương đương của John D. Rockefeller (sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát).
John D. Rockefeller (1839-1937) được coi là người Mỹ giàu nhất mọi thời đại và tỷ phú giàu nhất lịch sử hiện đại.
|
Elon Musk - CEO hãng xe điện Tesla - nắm giữ khối tài sản tương đương người được coi là tỷ phú giàu nhất lịch sử hiện đại. Ảnh: Bloomberg. |
Bất bình đẳng giàu nghèo
Tổng giá trị tài sản ròng được Bloomberg Billionaires Index tổng hợp hiện vượt quá 8.400 tỷ USD, nhiều hơn GDP của mọi quốc gia ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc.
Đại dịch đã làm trầm trọng hóa tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo trên thế giới. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), dịch Covid-19 đẩy 150 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực. Con số này có thể tăng hơn nữa nếu lạm phát leo thang.
Từ Washington, Moscow đến Bắc Kinh, các nhà lập pháp tranh luận sôi nổi về giới siêu giàu. Họ cam kết sẽ tăng thuế và bịt những lỗ hổng để tăng ngân sách và xoa dịu công chúng.
Hồi tháng 10, ông Ron Wyden - Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ - đã công bố mức thuế đặc biệt nhắm vào các tỷ phú. Nhưng thuế tỷ phú bị những doanh nhân như Elon Musk chỉ trích mạnh mẽ và được xóa bỏ chỉ sau vài ngày.
|
Đại dịch đã làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tăng thuế trên thặng dư vốn và thuế đối với tài sản thừa kế cũng thất bại. Việc thượng nghị sĩ Joe Manchin phản đối kế hoạch Build Back Better (Xây dựng lại Tốt hơn) cũng có thể loại trừ những loại thế cao hơn đối với người giàu.
Còn tại Trung Quốc, chiến dịch "thịnh vượng chung" và cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh đã thổi bay 80 tỷ USD khỏi túi tiền của 10 đại gia công nghệ giàu nhất Trung Quốc.
Tỷ phú Colin Huang - nhà sáng lập Pinduoduo Inc. - chứng kiến tài sản bay hơi nhiều nhất, 42,9 tỷ USD, tương đương 2/3 khối tài sản của ông. Nguyên nhân là giá cổ phiếu của nền tảng thương mại điện tử này lao dốc gần 70% kể từ đầu năm.
Chiến dịch trấn áp các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc bắt đầu sau bài phát biểu gây tranh cãi của tỷ phú Jack Ma - nhà sáng lập của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba.
Trong một sự kiện hồi tháng 10, ông Ma thẳng thừng chỉ trích hệ thống tài chính của đất nước. Chỉ vài ngày sau đó, Bắc Kinh yêu cầu Ant Group - tập đoàn công nghệ tài chính của ông - hoãn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Những vụ sụp đổ
Các đại gia bất động sản của Trung Quốc cũng lao đao khi Bắc Kinh tìm cách hạ nhiệt và hạ đòn bẩy trong ngành địa ốc nước này.
Theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, các đại gia bất động sản Trung Quốc đã mất hơn 46 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay. Riêng tài sản của tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập China Evergrande - bay hơi 17,2 tỷ USD.
Ông Hứa từng là tỷ phú giàu thứ hai châu Á với khối tài sản trị giá 42 tỷ USD. Nhưng giờ, ông chỉ còn nắm giữ khoảng 6,1 tỷ USD. Nguyên nhân là giá cổ phiếu của China Evergrande và các công ty con lao dốc.
Ông Hứa cũng phải bỏ tiền túi để xử lý "bom nợ" hơn 300 tỷ USD của tập đoàn.
Tài sản kỹ thuật số, cổ phiếu công nghệ và SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt) là những tài sản mang lại lợi nhuận lớn cho các tỷ phú Mỹ.
Vào cuối năm, 42 người đã gia nhập "câu lạc bộ tỷ phú", chủ yếu nhờ các đợt IPO.
Nhìn chung, theo Bloomberg, năm 2021 là một năm có nhiều biến động. Khi giá cả tăng vọt, các nhà lập pháp có nguy cơ tăng thuế, giới nhà giàu tận dụng cơ hội để bán ra.
|
Giá của các tài sản kỹ thuật số tiếp tục đà tăng mạnh mẽ trong năm nay. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, cũng có những vụ sụp đổ đáng chú ý. Vụ vỡ nợ của quỹ đầu tư Archegos Capital Management hồi cuối tháng 3 là một trong những thất bại gây chấn động nhất trong lịch sử ngành tài chính Phố Wall. Chưa một cá nhân nào mất nhiều tiền trong khoảng thời gian ngắn đến vậy.
Tài sản của Bill Hwang - người Mỹ gốc Hàn Quốc, nhà sáng lập quỹ đầu tư Archegos Capital Management - từng đạt 20 tỷ USD. Nhưng khối tài sản đã bốc hơi dưới sức nặng của những vụ đặt cược thất bại.
Cuối cùng, trung tâm của tất cả - từ những biến động trên thị trường, tiền mã hóa tăng giá đột biến, các cuộc thảo luận xoay quanh thuế, mức tăng tài sản kỷ lục - là Elon Musk.
Giá cổ phiếu Tesla tăng vọt đã đưa Musk thành tỷ phú giàu nhất hành tinh. Leo KoGuan - một nhà đầu tư không mấy tên tuổi - cũng đã trở thành tỷ phú với khối tài sản 10,8 tỷ USD nhờ đặt niềm tin tuyệt đối vào Tesla và Musk.
CEO Tesla cũng có khả năng xoay chuyển thị trường bằng những dòng tweet. Giáo sư Scott Galloway tại NYU Stern School of Business từng nhận định Elon Musk là doanh nhân có ảnh hưởng nhất thế giới, "có thể bóp méo hệ thống thị trường tự do của chúng ta".