Thomas C. Corley là một nhà kế hoạch tài chính, nhà diễn thuyết, một trong những tác giả có sách bán chạy nhất đồng thời là cây viết cộng tác với Business Insider, CNBC và một số đài truyền hình khác. Ông đã dành 5 năm để tìm hiểu về các triệu phú tự thân.
|
Thomas C. Corley |
Thông qua dự án nghiên cứu mang tên Rich Habits, tác giả Thomas C. Corley đã thu thập dữ liệu của 177 triệu phú tự thân trong vòng 5 năm, từ trước khi họ trở nên giàu có, để tìm ra bí quyết thành công của họ. Dưới đây là những phát hiện của ông:
Trong suốt 5 năm nghiên cứu những người giàu, ông đã phát hiện ra, các triệu phú tự thân được phân làm 2 nhóm:
- Họ là những người giỏi tiết kiệm.
- Họ bán thứ gì đó.
Trong nghiên cứu về các thói quen giàu có của ông, 135 triệu phú trong số 233 trường hợp được khảo sát thì phần lớn công việc của họ là bán thứ gì đó.
Tài sản trung bình của 135 triệu phú này là 5,7 triệu USD. 71% số tài sản có được trước khi họ bước sang tuổi 56 hay trung bình trong chưa đầy 22 năm làm việc.
Trong khi đó, những nhà triệu phú do giỏi tiết kiệm trung bình chỉ có tài sản khoảng 3,2 triệu USD và tích lũy trong khoảng trung bình là 36 năm.
Gần 22% người giàu trong nghiên cứu của Corley thuộc nhóm này. Họ không có nợ và thu nhập bị động từ các khoản tiết kiệm đủ để đáp ứng cuộc sống, thậm chí dư thừa.
Theo Corley, những người này tuân theo kỷ luật tiết kiệm nghiêm ngặt. Họ sử dụng chiến lược mà Corley gọi là "hệ thống những chiếc xô" để tiết kiệm. Theo đó, họ phân chia các khoản tiết kiệm của mình thành 4 loại cơ bản nhất: tiết kiệm hưu trí, các chi phí được dự kiến sẵn, chi phí đột xuất và chi phí theo chu kỳ.
Tiết kiệm để nghỉ hưu nghĩa là tiền được đầu tư để phát triển và sẽ được chi tiêu khi họ không còn đi làm nữa. Nhóm thứ hai bao gồm chi phí học hành trong tương lai, chi phí đám cưới, trả góp tiền nhà hoặc những chi phí dự kiến lớn khác.
Chiếc xô thứ ba có thể gọi là quỹ khẩn cấp. Đây là một tài khoản tiền mặt để dự phòng trong trường hợp mất việc hoặc mắc bệnh/gặp tai nạn đột ngột. Thông thường, khoản này được tích lũy để một người có thể sống trong ít nhất là 6 tháng mà không có thu nhập. Và cuối cùng, chi phí theo chu kỳ là khoản tiết kiệm cho các chuyến du lịch hay quà tặng định kỳ.
Chiến lược tiết kiệm đơn giản này đóng vai trò quan trọng đối với gần một nửa số triệu phú trong nghiên cứu của Corley. Kết quả là, họ có thể sống bằng 80% (hoặc ít hơn) thu nhập hàng tháng. Và khi đã trở thành triệu phú, họ vẫn tiếp tục thực hiện phương pháp trên đồng thời không bao giờ phô trương sự giàu có.
Corley viết: "Các triệu phú tự thân hình thành thói quen tiết kiệm và tuân theo một cách nghiêm ngặt. Càng tiết kiệm sớm, bạn càng tích lũy được nhiều của cải và sớm đạt được mục tiêu của mình".
Tuy nhiên, những triệu phú bán thứ gì đó có tài sản cao hơn khoảng 2,5 triệu USD so với triệu phú tiết kiệm và có thời gian tích lũy tiền bạc ít hơn 14 năm. Rõ ràng, nếu bạn muốn tích lũy nhiều tiền trong thời gian ngắn, bạn cần bán thứ gì đó. Chẳng hạn như:
- Warren Buffet bán kiến thức chuyên môn về tài chính.
- Elon Musk bán những chiếc ôtô Tesla hay tên lửa Space X.
- Mark Zuckerberg bán dịch vụ quảng cáo và marketing trên Facebook...
Tổng kết lại, Corley nhận định có rất nhiều cách để đạt mục tiêu. Dù bạn là người ngại rủi ro, thích an toàn, bạn vẫn có thể trở nên giàu có. Nếu bạn không thích tiết kiệm, nhưng cũng chẳng có ước mơ, hãy trở thành bậc thầy trong lĩnh vực của mình. Còn nếu không thuộc hai nhóm trên, hãy theo đuổi ước mơ nào đó, bạn cuối cùng cũng sẽ giàu.
Điều quan trọng là chọn cho mình một con đường phù hợp và kiên trì với nó trong nhiều năm. Mẫu số chung của tất cả các cấp độ giàu có đều là thời gian. Dù làm bất kỳ việc gì, bạn vẫn phải mất nhiều năm mới tích lũy được của cải.