Theo phương án cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS), sau cổ phần hóa, cả bốn lô đất tại với tổng diện tích 13.900 m2 mà VFS đang nắm giữ đều được đề nghị "Nhà nước cho thuê và thu tiền hàng năm". Thời hạn công ty cổ phần được thuê các lô đất này là 50 năm.
Theo đó, khu đất 5.448,5 m2 tại số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) sẽ được dùng làm trụ sở chính, xây dựng hệ thống Hậu kỳ, xưởng thiết kế mỹ thuật, kho phục trang - đạo cụ... Hai trường quay và một rạp chiếu phim cũng sẽ được xây dựng tại đây.
|
Hãng phim truyện Việt Nam. (Ảnh: Vietnamnet). |
Khu đất 1.208,72 m2 tại số 6 Thái Văn Lung sẽ dùng làm văn phòng Chi nhánh Hãng Phim truyện Việt Nam tại TP HCM. Rạp chiếu phim, thư viện Điện ảnh, phòng dạy nghề, bộ phận nghiên cứu ứng dụng điện ảnh... sẽ được xây dựng.
Trong phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa ở cả hai khu đất này đều không nhắc đến các công trình mà đối tượng thuê lại đất của VFS đang tranh chấp.
Trong khi đó, phần đất tại số 4 Thụy Khuê mà VFS ký hợp đồng cho bà Nguyễn Lệ Thủy (trú tại số 10 Thụy Khê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) thuê có thời hạn tới năm 2018. Còn tại 6 Thái Văn Lung, thời hạn của hợp đồng hợp tác kinh doanh giữ Hãng Phim với doanh nghiệp thuê lại khu đất lên tới tận năm 2033.
Hiện trạng tại khu đất số 4 Thụy Khuê đang là "hợp đồng thuê đất đã hết hạn từ năm 2002, hiện đang đề nghị tiếp tục được thuê đất". Từ năm 2003 đến nay Công ty chưa có quyết định cho thuê đất và hợp đồng thuê đất. Còn khu đất tại số 6 Thái Văn Lung cũng đã hết hạn thuê từ năm 2007.
Hai khu đất 904,9 m2 tại Hoàng Hoa Thám và 6.382,8 m2 tại Cổ Loa (Hà Nội) được Nhà nước giao cho VFS sử dụng làm nhà xưởng, phim trường. Sau cổ phần hóa, hai khu đất này tiếp tục được giao cho công ty cổ phần sử dụng theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2015.
"Công ty được tiếp tục quản lý, sử dụng, đồng thời khẩn trương xây dựng phương án sử dụng nhà, đất và liên hệ với các cơ quan chức năng hoàn tất các thủ tục đăng ký hồ sơ nhà, đất theo quy định. Tuy nhiên, đến thời điểm xác định giá trị Doanh nghiệp, Công ty chưa hoàn tất các thủ tục đăng ký hồ sơ nhà, đất theo quy định", phương án cổ phần hóa chỉ rõ.
Sau cổ phần hóa, trong 3 năm đầu tiên, công ty cổ phần dự định sẽ chi 10,5 tỷ đồng trả tiền thuê đất bằng một phần vốn chủ sở hữu và nguồn khác.
Mặt khác, hiện Chi cục Thuế quận Tây Hồ cũng cho rằng VFS còn nợ tiền sử dụng đất và quá hạn lên tới 5,7 tỷ đồng. VFS đang có ý kiến đối với Cơ quan có thẩm quyền để xem xét miễn giảm số tiền thuê đất truy thu này.
Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền không đồng ý giảm trừ theo đề nghị của Công ty thì số tiền thuê đất còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước sẽ tăng lên. Việc này đồng nghĩa với kết quả xác định giá trị doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh theo quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Công ty cổ phần sau này sẽ chịu trách nhiệm kế thừa và xử lý theo quy định.
Tại quyết định Cổ phần hóa VFS được Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Huỳnh Vĩnh Ái kí ngày 30/12/2015, tại thời điểm phê duyệt phương án cổ phần hóa, Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội, UBND TP HCM chưa có thỏa thuận về phương án sử dụng nhà, đất của công ty sau cổ phần hóa. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (VFS sau cổ phần hóa) được tiếp tục sử dụng và quản lý nhà đất theo chỉ đạo của TP Hà Nội và của Bộ về phương án sắp xếp.
Sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính, phương án sử dụng nhà đất khi cổ phần hóa của VFS sẽ được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính và quy định pháp luật.