Hơn 10 giờ sáng, bà Nhung (người trồng hoa ở Tây Tựu) vẫn còn khoảng 10 bó hoa hồng chưa bán hết. Dựng chiếc xe đạp cọc cạch ở vệ đường, bên cạnh chợ đầu mối phía Tây rồi ôm từng bó hoa ra mời khách. Ai đi sát vào gần xe hoa bà cũng rao “10 nghìn một bó 50 bông thôi cháu ơi, mua giúp bác với” nhưng hầu như không ai quan tâm.
Chợ hoa đóng cửa, người trồng hoa phải đứng bán lẻ với giá rẻ như cho.
Bà Nhung cho biết, nhà bà trồng hơn 10 sào hoa, từ tháng 4 đến tháng 11 thời tiết nóng, hoa không lớn được. “Khi trời lạnh, hoa dễ trồng và lên đẹp, cả năm chỉ mong có đợt Tết và vài tháng sau Tết để lấy vốn làm ăn. Vậy mà ra Tết giá rẻ đi một nửa, còn giờ thì bán cũng không có người mua mua. Hoa hồng trước kia bán buôn được 50.000 đồng/50 bông thì giờ 10.000 đồng/50 bông cũng không bán được.
Mấy hôm nay, chợ hoa Quảng Bá là chỗ để nông dân tiêu thụ hoa cũng đóng cửa rồi, nên tôi phải cắt hoa cho lên xe đạp đi bán dạo vớt vát được ít nào hay ít đó. Xung quanh ruộng nhà tôi, người ta bỏ ngỏ ruộng cả tháng nay, hoa nở bung hết không thèm cắt”, bà Nhưng buồn rầu nói.
Đến trưa, hàng trăm bông hoa hồng không có ai mua bị vứt lại vỉa hè.
Theo bà Nhung, mỗi buổi sáng đi bán rong hoa bằng xe đạp thế này được khoảng 100 nghìn đồng, coi như đủ tiền thức ăn cho cả nhà. “Mấy đứa con tôi vất vả hơn tôi nhiều, vừa thương con vừa tiếc của nên tôi cắt bán kiếm mấy đồng còn hơn là bỏ đấy, hoa nở rồi mình cũng vẫn phải cắt cành già vứt đi”, bà Nhung chia sẻ.
Đi sâu vào cánh đồng thuộc làng hoa Tây Tựu, không khó để bắt gặp những ruộng hoa hồng người dân không cắt bán, để mặc nở tung rực rỡ giữa đồng.
Ngồi bên ruộng đất bỏ không và ruộng hoa hồng đang dỡ bỏ đi, anh Trung (làng hoa Tây Tựu) thở dài, hoa giờ rẻ lắm, rẻ hơn trước đây 60% mà cũng không có ai mua. “Trước đây, mỗi bông cúc bán buôn cũng được 3.000 đồng, giờ 1.000 đồng/bông cũng khó bán. Vào ngày tuần thì bán được hòa vốn, chứ ngày thường thì lỗ to.
Sau Tết, thu hoạch xong là tôi cũng để ruộng không rồi chờ xem tình hình thế nào, chứ giờ trồng lên, cứ 3 ngày phải phun thuốc 1 lần. Mỗi sào mất 1 triệu tiền thuốc, vì thuốc sinh học diệt nhện và sâu bọ phá hoa, không có hại với môi trường nên đắt lắm”, anh Trung nói.
Một số hộ dân để ruộng không chờ hết dịch tính tiếp hoặc tạm dỡ bỏ những gốc hoa lâu năm cho năng suất kém.
Theo anh Trung, hoa cúc thì phá rồi, còn hoa hồng nhà anh cũng để đấy, kệ cho nở, chứ giờ bọc giấy báo vào cũng không bán được, nó lại nở bung ra, phí cả tiền mua báo. “Mỗi cân giấy báo để bọc hoa tôi phải mua hết 40.000 đồng, mà hiện tại mỗi cân bọc được khoảng 1 sào hoa, bán cả đi cũng không đủ tiền báo. Chưa kể công đi cắt hoa và mang đi bán nên tôi kệ. Khó khăn là khó khăn chung rồi nên mình cũng xác định nghỉ ngơi một thời gian rồi tính tiếp”, anh Trung chia sẻ thêm.
Với những người trông hoa ở Tây Tựu, dù trồng hoa gì thì người dân cũng phải một nắng hai sương chăm sóc và gắn bó với đồng ruộng. Hầu hết hoa Tây Tựu vẫn canh tác theo lối truyền thống và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Bởi vậy người nông dân năm nào cũng như đánh bạc với trời, may mắn thì được ăn, kém may thì hòa vốn còn tệ hơn như năm nay thì lỗ nặng.