Nhà giàu thời xưa ly hôn thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Dù xã hội Trung Quốc xưa đề cao nam quyền, nhưng không có chuyện đàn ông được tùy ý bỏ vợ. 

Thủ tục ly hôn của tầng lớp quý tộc thời cổ đại Trung Quốc có những nghi thức nhất định. Theo “Phóng thê thư” (tức Giấy chứng nhận ly hôn) thời nhà Đường, địa vị nam nữ tương đối bình đẳng trong xã hội thời bấy giờ. Nội dung của “Phóng thê thư” được chia làm 3 đoạn. Đoạn một thuật lại duyên phận của vợ chồng, kể lể những tháng ngày cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Đoạn hai mô tả tình trạng hôn nhân hiện tại của họ, thường là do bất hòa về tính cách nên hay cãi vã và không thể tiếp tục chung sống với nhau. Đoạn ba là những lời chúc phúc tốt đẹp dành cho nhau sau khi đã “đường ai nấy đi”, mong rằng đối phương sẽ tìm được cuộc sống hạnh phúc của riêng mình. Ở cuối còn ghi rõ số tiền “bồi thường” cho người vợ. Điều đặc biệt, giấy chứng nhận ly hôn này nhất định phải có cha mẹ và họ hàng hai bên cùng làm chứng.

 Khi duyên phận đã hết, đành cắt nghĩa phu thê. Ảnh minh họa. 

Mặc dù xã hội cổ đại Trung Quốc đề cao nam quyền, nữ giới luôn bị gò bó trong quan niệm“tam tòng tứ đức”, nhưng không có chuyện, đàn ông có thể bỏ vợ tùy ý. Bởi việc ly hôn chịu sự chi phối của truyền thống gia tộc cũng như tuân theo luật pháp đương thời và bị ràng buộc bởi lý - tình. 

Trong “Bạch Cư Dị tập” từng có câu chuyện: Có người vợ nọ trên đường mang cơm ra đồng cho chồng thì gặp cha đang đói khát. Cô ta bèn đem cơm canh cho cha ăn. Người chồng đợi mãi không thấy vợ đâu, vừa đói vừa tức, nên định bỏ vợ. Nhưng cô gái không chịu, bèn cáo lên quan phủ. Bạch Cư Dị đã phán quyết như sau: Theo lẽ thường, vợ phải nghe theo chồng, nhưng báo đáp ân tình của cha mẹ cũng là lẽ tất yếu. Vì vậy, trong trường hợp này, cơm nên dành cho cha ăn trước, rồi mới đến lượt chồng, ấy là lẽ hiếu thuận. Cuối cùng, người đàn ông đã không thể bỏ vợ.

Do người Trung Quốc xưa rất coi trọng tính ổn định trong các mối quan hệ xã hội, nên việc chia tay sau hôn nhân không được ủng hộ, do đó, tỉ lệ ly hôn rất thấp. 

Ở thời Đông Hán, có người tên là Phùng Diễn, tuổi đã cao mà vẫn đòi bỏ vợ nên bị mọi người lên án. Sau thời Tống, đa phần các sĩ đại phu đều cho rằng, kẻ bỏ vợ là kẻ không có phẩm hạnh. Ở chốn thôn quê, chuyện bỏ vợ lại càng trở nên hiếm hoi vì bị chi phối về kinh tế và chịu ảnh hưởng sâu sắc của quan niệm “phu thê tình sâu nghĩa nặng”.

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Bích Diệp (theo Liao Chen wanbao)

Bình luận(0)