Lý giải thú vị về câu: “nhị bái cao đường”

Google News

(Kiến Thức) - Vì sao trong hôn lễ xưa kia ở Trung Quốc có nghi thức: “Nhị bái cao đường”? “Cao đường” ở đây hàm chứa ý nghĩa gì? 

Trong hôn lễ thời xưa ở Trung Quốc, khi tân lang tân nương làm lễ bái đường, người chủ trì buổi lễ sẽ hô to: “Nhất bái thiên địa, nhị bái cao đường, phu thê giao bái”. Bái cao đường ở đây chính là bái cha mẹ, nhưng vì sao lại dùng từ “cao đường”, hậu thế chưa hẳn đã rõ.  

 Nghi thức bái cao đường truyền thống trong lễ cưới của người Trung Quốc.

“Thuyết văn giải tự” lý giải về chữ “đường” như sau: “Đường, điện dã”, tức ban đầu, “đường” và “điện” là hai từ mang nghĩa và được dùng như nhau. Nhưng cùng với sự ra đời của xã hội phong kiến, vị trí của bậc đế vương ngày càng trở nên tôn quý, đến cả câu từ cũng phải chuyên dụng, vì vậy kể từ sau thời nhà Đường, “điện” chuyên dùng để chỉ nơi ở của hoàng đế và có sự khác biệt rõ ràng về nghĩa với từ “đường”. Nhà ở của dân thường có “đường ốc”, tức gian trên hay còn gọi là chính phòng.

Từ “đường” trong “cao đường” ý chỉ “nội đường”, tức nơi ở của cha mẹ. Theo tập tục thời xưa, con cái phải đến phòng ở của cha mẹ để vấn an, thăm hỏi: “ Cha mẹ hôm nay sức khỏe thế nào ạ? Có khỏe không ạ?”.
 
Riêng từ “cao” thì có nhiều cách lý giải. Có quan điểm cho rằng, đó là do con cái phải bái kiến cha mẹ trong căn phòng cao lớn, lại có quan điểm, từ “cao” hàm ý tôn trọng.
 
 Tân lang xinh đẹp trong ngày vu quy. Ảnh minh họa. 

Bất luận được lý giải thế nào, từ “cao đường” vốn chỉ nơi ở, là chốn tôn nghiêm dành cho cha mẹ. Lâu dần, từ này được suy rộng ra với nghĩa phụ mẫu.Ví như từ “nội đường” được đề cập ở trên có thời điểm dùng để chỉ mẫu thân. Ngoài ra còn có cách gọi nho nhã và tôn kính khác dành cho mẹ là “Huyên đường”.

Từ này được lấy ra từ một câu thơ trong “Thi kinh Vệ phong”.  Đại ý viết rằng, “huyên thảo” (cây hoa hiên) phải được trồng ở Bắc đường. “Huyên thảo” còn được biết đến với tên gọi quen thuộc là “Vong ưu thảo” (cỏ tiêu sầu, hóa giải muộn phiền). Người Trung Quốc xưa kia quan niệm, nếu trồng cỏ huyên ở Bắc đường có thể quên hết phiền muộn. Trong khi đó, Bắc đường thường dùng để chỉ phòng ở của mẹ. Do đó, người ta dùng “huyên đường” để chỉ nơi ở của mẫu thân, suy rộng ra là cách gọi tôn quý dành cho đấng sinh thành.

Dù cuộc sống bên ngoài có ưu phiền, lo lắng bao nhiêu, nhưng khi trở về nhà, được ăn bát cơm mẹ nấu, được mẹ vỗ về, an ủi, mọi ưu phiền, sầu muộn trong ta sẽ được xua tan. Vì vậy, chẳng ai khác ngoài mẹ là “vong ưu thảo” của những đứa con thơ.

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

TIN BÀI LIÊN QUAN



Bích Diệp (theo Huanqiu)

Bình luận(0)