Phật tử hỏi: Khi chồng đòi ly hôn...

Google News

Là Phật tử, chúng ta không nên quá chấp thủ bất cứ điều gì mà phải cố gắng tháo gỡ để sao cho nhẹ nhàng, thanh thản trong mọi phương diện nhằm sống khỏe, sống vui trong cuộc đời tạm bợ này....

Tôi và chồng tôi yêu nhau được gần hai năm thì cưới. Trong thời gian yêu nhau chúng tôi không có điều kiện ở bên nhau nhiều vì anh ấy đi xuất khẩu lao động còn tôi thì đang đi học. Sau khi cưới được một tháng rưỡi thì chồng tôi lại phải đi nước ngoài để tiếp tục công việc, còn tôi vẫn đi học tiếp. Chúng tôi chỉ vui vẻ hạnh phúc với nhau một thời gian đầu rồi sau đó suốt ngày cãi cọ. Tôi nhận ra rằng sau khi kết hôn tính cách của chồng tôi thay đổi rất nhiều. Tôi rất buồn, mỗi lần vợ chồng cãi nhau là anh ấy lại cứ xúc phạm đến bố mẹ tôi.

 Tranh Đỗ Duy Tuấn

Đến thời điểm này vợ chồng tôi đã xa nhau một năm rưỡi rồi. Tôi cũng đã học xong, chưa có việc làm vì chồng tôi không cho đi làm nên tôi chỉ ở nhà, suốt ngày chỉ quẩn quanh khiến tôi lại càng suy nghĩ nhiều. Tôi mặc cảm vì chỉ suốt ngày ở nhà ăn bám chồng.

Thời gian này chồng tôi hay nhắc đến chuyện ly hôn, anh ấy nói rằng càng ngày thấy tôi và anh không hợp nhau. Mặc dù tôi cố gắng nhường nhịn anh ấy rất nhiều nhưng cứ mỗi lần cãi nhau anh ấy lại nói đến ly hôn và xúc phạm bố mẹ tôi. Hiện tôi không biết nên làm như thế nào nữa, nhiều lúc tôi cũng muốn buông xuôi đường ai nấy đi cho rồi. Anh ấy nói rằng anh ấy sẽ không về nước nữa, cho tôi đợi đến khi nào chán sẽ thôi. Bây giờ tôi phải làm gì? Tôi là một Phật tử, nhiều lúc tôi nghĩ rằng ly hôn rồi sẽ vào chùa ở nhưng nghĩ mãi cũng chưa thông. Xin quý Báo cho tôi một lời khuyên.

(Thiên Hương, thienhuong2021991@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Thiên Hương thân mến!

Do hoàn cảnh cuộc sống bận rộn và xa xôi cách trở nên sự tìm hiểu về người bạn đời tương lai của cả hai vợ chồng bạn trước khi thành hôn có thể nói là chưa được sâu sát. Nên sau khi về sống chung với nhau, tính cách thực của mỗi người dần được hé lộ ra. Sự bất đồng quan điểm dẫn đến cãi cọ trong thời gian đầu sống chung cũng không phải là chuyện hiếm giữa các cặp vợ chồng son. 

Tuy vậy, nếu vợ chồng sống chung gần gũi thì dần dà có thể tìm hiểu sâu hơn về tính cách của nhau để khắc phục tình trạng bất đồng này. Nhưng đối với hoàn cảnh của bạn hiện nay, anh ấy đang lao động ở nước ngoài, lại đòi ly hôn, còn hăm he “sẽ không về nước nữa, cho vợ đợi đến khi nào chán sẽ thôi”, nếu không nỗ lực thì cũng khó có cơ hội khắc phục.

Theo chúng tôi, hiện bạn đã học xong, có bằng cấp đàng hoàng nên việc đầu tiên là bạn cần nhanh chóng tìm việc làm. Đi làm, đối với bạn hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Có công ăn việc làm sẽ khiến bạn tự chủ, xua tan mặc cảm tự ti “ăn bám chồng” cùng cảm giác nhàm chán suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Bạn cứ mạnh dạn đi làm vì không ai có thể buộc bạn ở nhà cả, dù đó là chồng của bạn. Chính môi trường làm việc, giao tiếp, sự tự chủ về kinh tế cùng với nhiều ứng xử xã hội khác sẽ giúp bạn giải tỏa nhiều vướng mắc trong hiện tại và ngày một trưởng thành, vững chãi hơn.

Song hành với việc đi làm, thông qua các phương tiện liên lạc hiện đại hiện nay, bạn cố gắng kết nối với chồng để sẻ chia, tâm sự, bày tỏ tất cả tâm tư, tình cảm, ước vọng của mình với một tấm lòng chân thành, yêu thương, kính trọng nhất. Nhất là những bất đồng dẫn đến cãi cọ bạn cần tháo gỡ với tâm hòa giải, xây dựng. Bạn biết nhường nhịn trong mỗi lần vợ chồng xảy ra cãi vã là điều tốt, nhưng sau đó hết căng thẳng phải mạnh mẽ góp ý xây dựng lẫn nhau, quyết không để nhường nhịn thành nhu nhược. 

Bạn cứ hết lòng mong muốn hàn gắn những rạn nứt để đoàn tụ gia đình nhưng nếu chồng bạn kiên quyết đòi ly hôn hoặc ly thân (không về nước nữa) thì bạn cũng nên cân nhắc để chọn cho mình một hướng đi mới.

Trong tình cảm vợ chồng, sau mọi nỗ lực cứu vãn mà không hàn gắn được nữa thì cũng nên chủ động “giải thoát” cho mình và người bạn đời. 

Là Phật tử, chúng ta không nên quá chấp thủ bất cứ điều gì mà phải cố gắng tháo gỡ để sao cho nhẹ nhàng, thanh thản trong mọi phương diện nhằm sống khỏe, sống vui trong cuộc đời tạm bợ này. Nếu ly hôn, bạn vẫn tiếp tục công việc của mình, ngoài giờ làm việc bạn lên chùa để tu tâm dưỡng tánh thêm thì rất tốt. Nhưng nếu ly hôn rồi bạn có ý vào chùa ở (xin xuất gia) thì không nên, vì không nhất thiết phải như vậy.

Chúc bạn tinh tấn!

BÀI ĐỌC NHIỀU

Theo Giác Ngộ

Bình luận(0)