Thực hư đá mã não có khả năng thần kỳ, chữa bệnh

Google News

(Kiến Thức) - Theo GS.TSKH Phan Trường Thị,Viện trưởng Viện Đá quý - Trang sức, đá mã não không có tác dụng chữa bệnh và cũng không có khả năng thần kỳ như một số người kỳ vọng.

Đá mã não (còn gọi là ngọc mã não) tồn tại nhiều trong các vùng đất đỏ Tây Nguyên, một loại đồ trang sức được ưa chuộng.
Mã não có nhiều ở vùng núi lửa
Đá mã não ngày nay khá phổ biến, nhưng ít người biết đá mã não thực chất là đá gì, có tác dụng ra sao, có phải là một loại đá phong thủy hay không. GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết, đá mã não được chế tác thành những tượng Phật, tượng Chúa và nhiều tượng nghệ thuật khác, những khối đá trở thành vật liệu mỹ nghệ cao cấp. Các nhà địa chất gọi chúng là ngọc mã não, xếp trong danh sách đá quý, nhưng chỉ trong hàng đá quý chất lượng từ thấp đến trung bình, chưa quý đến mức có thể làm hàng trang sức.
Người ta tìm thấy mã não nhiều trong các vùng đất đỏ bazan. Cách đây khoảng 13 triệu năm núi lửa phun trào tràn ngập cao nguyên Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk và lan ra đến duyên hải Phú Yên... Những dòng dung nham có thành phần bazan nóng bỏng thiêu đốt hầu hết rừng cây và tạo nên một lớp phủ dày đến vài trăm mét. Dung nham có chứa nhiều chất khí làm bazan “sôi sùng sục” và di chứng là những lớp bazan vẫn còn lưu giữ vết tích bọt khí dày đặc. Nhưng lý thú hơn là trong lớp bazan còn chứa nhiều “túi khí” nhiều kích thước khác nhau từ vài ba mét cho đến hàng chục mét.
GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết, khi bazan nguội lại các chất khí bốc bay khỏi dòng dung nham, còn lại khí SiO2 đọng lại và kết tinh thành khoáng vật chalcedon (SiO2), đôi khi khí SiO2 thấm ra bên ngoài và tẩm vào thân cây bị chôn vùi tạo nên những thân cây “hóa đá”, thực chất là khoáng vật chalcedon đã thay thế các tế bào thực vật. Các túi khí kết đọng thành chalcedon tạo nên những khối đá hình thù kỳ dị, màu sắc khác nhau, được đặt tên là những khối ngọc mã não. Khi dung nham bazan lâu ngày rã ra thành đất đỏ, các khối mã não trơ lại thành những khối đá mồ côi nằm giữa đất đỏ bazan với những kích thước từ vài ba mét đến hàng chục mét. 
Thuc hu da ma nao co kha nang than ky, chua benh
Đá mã não có màu sắc rất đa dạng từ xám cho đến đỏ tuyền, xanh tuyền, nhiều khối phát triển vân mây với nhiều dải màu khác nhau xen kẽ.  
Giá trị nghệ thuật, phong thủy
Qua nghiên cứu, GS.TSKH Phan Trường Thị cho hay, khoáng vật       chalcedon có thành phần hóa học là SiO2, kết tinh ở trạng thái ẩn tinh tức là kích thước rất nhỏ (kích thước gần nano nên không phân biệt được dưới kính hiển vi dù có độ phóng đại lớn). Ở dạng kết cấu này, chúng tạo nên những vân mây nhiều màu sắc khác nhau làm cho khối ngọc rất hấp dẫn. Kích thước các khối đá mồ côi mã não khá phong phú từ vài ba mét cho đến hàng chục mét với trọng lượng mỗi khối trên 30 - 50 tấn. Độ cứng các khối mã não rất bền vững, cứng hơn dao sắt vạch, chất khoáng vật chalcedon (SiO2) hầu như không bị các tác nhân phong hóa (chúng đã trải qua một giai đoạn thử thách trên vài triệu năm) cho đến ngày nay. 
Đá mã não có màu sắc rất đa dạng từ xám cho đến đỏ tuyền, xanh tuyền, nhiều khối phát triển vân mây với nhiều dải màu khác nhau xen kẽ. Chúng là những vật liệu mỹ nghệ cao cấp cho ngành tạc tượng nghệ thuật và tâm linh. Bản thân từng khối ngọc tự nhiên có sẵn những hình thù khá kỳ dị, đẹp mắt và hấp dẫn. Chỉ cần đánh bóng trên bề mặt thì những khối đá đó đã trở thành những vật trang trí có giá trị nghệ thuật hay phong thủy. Vẻ đẹp của khối đá nằm ở màu sắc, kết cấu, nhưng cũng theo GS.TSKH Phan Trường Thị, mã não không có tác dụng chữa bệnh và cũng không có những khả năng thần kỳ như một số người kỳ vọng. 
Việt Nam không có các mỏ đá mã não mà nằm rải rác ở vùng đất đỏ Tây Nguyên, bởi thế nó là một loại tài nguyên “nhặt lượm”, ai phát hiện được thì tài sản thuộc về người đó chứ không giống các loại đá, khoáng sản khác. Loại đá này không thuộc diện cấm mua bán, trao đổi. Tuy nhiên, việc quản lý nó như thế nào vẫn cần phải đặt ra, vì đây là loại tài nguyên gần như không tái tạo, khai thác dần dần sẽ hết.
Chúng ta chỉ có thể phân biệt được màu đá mã não tự nhiên hay đã nhuộm dưới kính hiển vi hoặc qua kinh nghiệm nghiên cứu về đá quý. Các màu không có trong đá tự nhiên như màu xanh dương, màu hồng đậm (hồng cánh sen), tím, hồng nhạt...
GS.TSKH Phan Trường Thị 
Bảo Khánh

>> xem thêm

Bình luận(0)