Chồng 'khốn khổ' vì vợ bỗng dưng yêu đời - dấu hiệu tâm thần

Google News

Bỗng nhiên yêu đời như thích hát hò, làm thơ, mua sắm có thể là biểu hiện của một bệnh tâm thần dạng rối loạn hưng cảm và nếu không điều trị kịp thời có thể bệnh sẽ nặng hơn, khó điều trị hơn.
 

Khổ vì vợ bỗng dưng yêu đời
Trường hợp của anh N.V.H. 41 tuổi, Hà Nội và vợ tìm tới bác sĩ tâm thần vì vợ anh H. thời gian gần đây có biểu hiện khác thường. Anh H. kể trước đây vợ rất hay càu nhàu, khó tính thì khoảng 5 tháng nay anh thấy vợ rất khác. Vợ anh luôn tỏ ra yêu đời, ăn diện hơn, thích mua sắm và anh thấy vợ có nhiều ý tưởng lạ lẫm. Đặc biệt, nhu cầu đòi hỏi quan hệ tình dục của vợ anh tăng lên rất nhiều.
Lúc này, anh H. thường xuyên theo dõi những bất thường của vợ, cho đến khi vợ anh mất ngủ nhiều hơn và chuyển sang thơ ca, quan họ. Anh H. nhắn tin hỏi 1 người bạn làm bác sĩ tâm thần đang sống ở nước ngoài. Anh được tư vấn nên đưa vợ đi kiểm tra. Nhưng vợ anh quả quyết chị hoàn toàn bình thường và không có bệnh gì.
Khi đi kiểm tra, bác sĩ theo dõi các triệu chứng tâm thần khác thì thấy vợ anh H. có biểu hiện của hưng cảm. Chị yêu đời, tự tin và luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ. Vẻ yêu đời của chị khác với những người bình thường. Bác sĩ bắt đầu theo dõi và điều trị chứng rối loạn hưng cảm – một pha của bệnh tâm thần.
Trường hợp của N.M.A. 29 tuổi, quê Hà Nam. M. A. xinh xắn, tốt nghiệp đại học Ngoại ngữ. Gần đây, M. A. thường xuyên khoe với bạn bè gặp gỡ ngôi sao này, ngôi sao kia và M. A. đang có người yêu làm tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn.
Chong 'khon kho' vi vo bong dung yeu doi - dau hieu tam than
Chồng khốn khổ vì vợ bỗng dưng yêu đời - một dấu hiệu tâm thần 
Tuy nhiên, bạn bè và gia đình thì thấy M. A. không hề có người yêu và cũng không quen ai là ngôi sao.
Nhưng chủ quan với các dấu hiệu của rối loạn hưng cảm, M. A. không đi kiểm tra sức khỏe. Chỉ đến khi hoang tưởng ngày càng nặng kèm theo chứng mất ngủ, M. A. được bạn thân khuyên đi kiểm tra tâm lý. Bác sĩ tâm lý tư vấn cô nên thực hiện test các dấu hiệu của rối loạn cảm xúc.
Vì e dè mang tiếng đến bệnh viện tâm thần nên M.A không chịu đi điều trị. Khi mất ngủ kéo dài, hoang tưởng tự viễn bản thân tăng lên thì cô mới vào viện điều trị.
Hưng cảm 1 triệu chứng của tâm thần
Thạc sĩ, bác sĩ La Đức Cương - nguyên giám đốc BV Tâm thần Trung ương 1, cho biết hưng cảm cũng xếp vào bệnh tâm thần. Hưng cảm còn là triệu chứng xảy ra ở những người bị rối loạn lưỡng cực I. Hưng cảm vẫn đang bị bỏ qua vì người ta thấy bình thường không cần điều trị.
Tuy nhiên, để xác định được đây là một triệu chứng của bệnh tâm thần thì bệnh nhân cần được kiểm tra kỹ. Khi có các biểu hiện bỗng nhiên yêu đời hơn, thích ca hát, làm thơ, ảo tưởng và triệu chứng này không giảm thì cần chú ý. Bình thường, người ta chỉ yêu đời, vui buồn trong khoảnh khắc nhưng người hưng cảm thì không.
Các triệu chứng của hưng cảm, những người bị hưng cảm có thể dễ nhận thấy đó là bình thường người này hay nói, nói nhiều, hát hò nhưng đột ngột trở nên cáu gắt, kích động, không tự kiềm chế được nếu không đúng ý mình hoặc bị người khác chê, ngăn cản.
Người bệnh mất ngủ dài ngày, thích khẳng định bản thân, đề cao cái tôi. Nói to, nói rất nhanh và có nhiều ý tưởng dồn dập. Hoạt động hưng phấn, bồn chồn, không thể ngồi yên, cảm thấy không mệt mỏi nhưng không thể làm hoàn chỉnh một việc nào. Đặc biệt, bác sĩ Cương lưu ý bệnh nhân cũng có thể tăng ham muốn tình dục, có thể trở nên sỗ sàng, suồng sã, không biết xấu hổ. Dễ dàng tham gia hoặc tạo ra các hành vi nhiều rủi ro (như mua sắm, tiêu xài hoang phí, đầu tư mạo hiểm…). Một số rối loạn khác như thèm ăn, ăn nhiều, ăn nhanh.
Các cơn hưng cảm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Khi chúng lắng xuống, người bệnh có thể cảm thấy hối hận hoặc chán nản vì những việc đã làm. Những triệu chứng nặng hơn của bệnh có liên quan đến việc tách rời thực tế. Nếu nặng hơn bệnh nhân sẽ chuyển sang giai đoạn hoang tưởng.
Bác sĩ Cương cho biết bất cứ ai cũng có nguy cơ bị hưng cảm, tuy nhiên những người trên 30 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Người bị chứng hưng cảm cần bớt cơn hưng cảm bằng cách tiếp xúc, nói chuyện với người bệnh một cách nhẹ nhàng, khéo léo, tế nhị, tránh những lời nói có thể làm kích thích tăng thêm trạng thái hưng cảm.
Theo Khánh Chi/Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)