Tai nạn hy hữu
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa cứu sống một nữ du khách Nga nghi bị cá biển tấn công gây trọng thương nguy kịch. Trưa 13/4, bà Oxana nhập viện cấp cứu vì khi đang tắm biển ở bãi Hòn Chồng (Nha Trang), bà bất ngờ bị chấn thương ở cột sống cổ bởi dị vật sắc nhọn, gây yếu liệt tay trái và chân phải, bí tiểu... Chụp MSCT vùng bị chấn thương cho thấy có dị vật dài 39mm đâm xuyên qua lỗ liên hợp C7 vào ống sống bên trái. Chụp MRI cho thấy dị vật 39mm x 6mm xuyên qua gần hết tủy, lồi đĩa đệm C5/6 ra sau trung tâm.
Ca phẫu thuật bán cấp cứu loại đặc biệt kéo dài bảy giờ rưỡi được các bác sĩ Khoa Ngoại cột sống và Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa thực hiện. Kíp phẫu thuật phát hiện nhiều mảnh xương và răng cá đâm rất sâu vào tủy qua lỗ liên hợp, màng cứng rách toác rộng, gần rễ C8. Rất khó khăn, các xương và răng cá hình lưỡi cưa được lấy ra bằng hết. Ngay sáng 16/4, các mảnh xương và răng cá đã được đưa đến Viện Hải dương học Nha Trang để xác định loài cá gây chấn thương.
Xem những hình ảnh được lấy ra từ vết thương, TS Nguyễn Kiêm Sơn, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật nhận định, nhiều khả năng đây là loài cá nhái. Đây là loài ăn nổi trên mặt nước, chúng thường đi thành đàn, có kích thước dài khoảng 50 - 60cm, mình xanh, bụng trắng, mõm gọng kìm. Đây là loài cá rất phổ biến, được ngư dân bắt thường xuyên và được sử dụng làm thực phẩm. Dù là loài cá dữ nhưng chúng không tấn công người.
Trường hợp du khách bị nạn này có thể coi là trường hợp hi hữu. Có thể là do chúng đang bơi theo đàn, gặp chướng ngại vật chúng phải tan tác đi, hoảng loạn nên chúng lao vào người. Hoặc chúng đang trên đường đuổi theo con mồi thì lao vào người. Trên thế giới cũng chưa bao giờ có hiện tượng cá nhái tấn công người.
|
Không tắm biển lúc sáng sớm hoặc chiều tối. |
Cẩn trọng với đàn cá mặt nước
TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết, cá nhái là loài cá dữ, nhưng chúng không tấn công người. Ở những vùng biển còn hoang sơ, ít khách du lịch, đặc biệt là các vịnh lớn thường xuất hiện các đàn cá. Đa phần đó là những đàn cá nhỏ đi kiếm ăn, không gây nguy hiểm cho du khách. Nhưng nếu gặp những đàn cá chỉ di chuyển trên mặt nước, thân trên màu xanh rêu, bụng có vạch trắng thì phải tránh xa, không được bơi kiểu lao vào giữa đàn cá sẽ khiến chúng hoảng sợ, chạy tan tác và có thể vô tình lao vào tấn công người.
Đối với những đàn cá lớn hơn như cá nhồng, cá kiếm thì phải cẩn trọng hơn nữa, loài cá này có thể tấn công gây chết người trong chốc lát. Đây là những con cá có mõm dài, vây to, miệng to, con to có thể dài đến hàng mét. Nếu bị cá này tấn công kiểu bơi nhao thẳng vào người thì có thể làm đứt cổ, vết thương rộng hơn nhiều so với vết thương do cá nhái gây ra.
Cũng theo TS Nguyễn Kiêm Sơn, với những vùng biển có thể xuất hiện cá mập thì phải có những kiến thức kỹ năng cần thiết khi tắm biển, không vệ sinh khi đang bơi trên biển. Những phụ nữ đến thời kỳ kinh nguyệt thì tuyệt đối không xuống biển. Cá mập và một số loài cá dữ rất nhạy cảm với mùi máu, chúng có thể tìm đến tấn công nếu phát hiện ra "con mồi" dù cách xa nhiều km. Không tắm biển lúc sáng sớm hoặc chiều tối, tránh tắm ở vùng nước đục, không mặc trang phục hoặc đeo trang sức lấp lánh, không bơi gần đàn cá nhỏ, không bơi gần khu neo đậu tàu thuyền...
"Cá dữ hay các đàn cá nhỏ thường xuất hiện ở các vịnh là bởi ở đây có điều kiện thuận lợi để chúng cư trú và kiếm ăn. Hơn nữa, ở xung quanh các vịnh thường có các lồng nuôi tôm hùm với nhiều mồi bên trong cũng thu hút chúng tìm đến. Hiện tượng El Nino cũng làm cho nhiệt độ và độ đục của dòng chảy tăng lên cũng khiến các loài cá này di chuyển vào gần bờ hơn".
TS Võ Văn Quang (Viện Hải dương học Nha Trang)