Streamer thành nhà trị liệu tâm lý bất đắc dĩ

Google News

Nhiều streamer có thể giúp đỡ người xem, nhưng giải pháp tốt hơn vẫn là tìm sự hỗ trợ chuyên nghiệp.

Trong một livestream của Abdallah Elayan, đại sứ thương hiệu công ty trò chơi điện tử Nintendo, một người xem của anh đã quyên góp 5 USD cùng dòng tin nhắn “Tôi sẽ kết liễu đời mình”.
Elayan lập tức xóa tin nhắn khỏi phần chat của livestream để những người xem khác không thấy. Trên màn hình phụ, anh hướng dẫn đội ngũ điều hành liên hệ với người vừa rồi. Buổi livestream vẫn được tiếp tục.
Đây không phải là lần đầu tiên Elayan xử lý tình huống như vậy.
Khi những bình luận đáng quan ngại xuất hiện, đội ngũ của anh sẽ tiến hành trò chuyện riêng tư với chủ nhân của bình luận đó. Họ sẽ lắng nghe lời chia sẻ và giới thiệu chuyên gia tâm lý cho những người cần giúp đỡ.
"Đội ngũ của tôi không phải chuyên gia hay nhà trị liệu, nhưng chúng tôi có thể cung cấp sự hỗ trợ mà người xem cần", Elayan chia sẻ với Washington Post.
Streamer thanh nha tri lieu tam ly bat dac di
Nhiều người tìm để các streamer để giãi bày nỗi lòng. Ảnh: The Guardian.
Sự giúp đỡ không chuyên nghiệp
Với sự cô đơn và lo lắng gia tăng trong thời kỳ đại dịch, ngày càng có nhiều người theo dõi những nội dung giải trí bởi các game thủ và streamer.
Người xem thường chia sẻ những vấn đề tâm lý của họ trong những cuộc trò chuyện trực tuyến. Trong thời điểm nhạy cảm ấy, việc trả lời bình luận và giúp họ nhận được hỗ trợ chuyên môn là điều cần thiết. Tuy nhiên, với lượt người xem tăng cao, những lời kêu cứu trên mạng có thể bị bỏ qua.
Các chuyên gia tâm lý thừa nhận rằng mặc dù trò chơi và livestream mang lại sự thoải mái, đó chỉ là bước đầu tiên để nhận được hỗ trợ tâm lý nếu thực sự gặp khó khăn.
Jason Docton, Giám đốc điều hành và người sáng lập của tổ chức sức khỏe tâm lý Rise Above the Disorder (RAD), cho biết phần lớn cộng đồng yêu thích game tìm tới các streamer làm điểm tựa tinh thần, dù thực tế là họ cần được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm lý tốt hơn.
“Khi tôi chứng kiến người xem tìm tới người sáng tạo nội dung để được hỗ trợ tinh thần, tôi thấy họ chỉ đang làm điều duy nhất trong khả năng của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, những streamer có thể không đủ kiến thức để giúp đỡ người xem”, Docton chia sẻ.
Docton thành lập tổ chức RAD sau cuộc đấu tranh của chính anh với chứng ám ảnh sợ khoảng trống và trầm cảm. RAD cũng đào tạo các streamer và người điều hành để giúp họ xử lý khủng hoảng về sức khỏe tâm lý. Nhờ vậy, người xem khi tìm kiếm sự hỗ trợ có thể nhận được phản hồi xác đáng và đi vào trọng tâm hơn.
Streamer thanh nha tri lieu tam ly bat dac di-Hinh-2
Jason Docton sáng lập RAD nhằm hỗ trợ cộng đồng trực tuyến với vấn đề sức khỏe tinh thần. Ảnh: Dexerto. 
YouTuber Andre Segers cho biết anh livestream mỗi ngày trong hơn hai tháng và xây dựng mối quan hệ bền chặt với người xem. Vào thời điểm đó, nhiều người trong số 1,2 triệu người đăng ký kênh đã chia sẻ sự đấu tranh của họ với cảm giác cô độc.
Hầu hết bình luận trên video của anh đều không tới mức đáng quan ngại. Tuy nhiên, trong một lần livestream, Segers nhận thấy khán giả liên tục nhắn lời tiêu cực. Anh liên hệ trực tiếp và khuyến khích người này tìm kiếm trị liệu tâm lý.
Kể từ trải nghiệm đó, Segers đã có suy nghĩ khác về việc đề cập và giải quyết vấn đề sức khỏe tâm lý trong các buổi livestream. Khi anh cởi mở, người xem sẽ có cảm giác rằng họ không đơn độc.
“Tôi thực sự lo lắng cho tình trạng của người xem và không rõ liệu những lời nói của mình có giúp ích cho họ hay không. Tôi sẽ khuyên họ đến gặp chuyên gia nếu tình hình đòi hỏi nhiều hơn những gì tôi có thể làm”, Segers khẳng định.
Tìm kiếm giải pháp từ chuyên gia
Các streamer với lượng khán giả nhỏ hơn có thể nhìn nhận những tin nhắn từ người xem theo cách khác.
Nick Neuenfeldt, có 9.500 lượt follow, kết nối với nhiều người xem trên nền tảng phát trực tuyến YouTube và Discord. Hiện tại, anh thấy việc trả lời mọi tin nhắn khá dễ dàng. Nam YouTuber khuyên một số người tìm kiếm trị liệu tâm lý chuyên nghiệp.
Với lượng khán giả đang tăng lên, anh cảm thấy có trách nhiệm tạo ra nội dung nhất quán và cân bằng giữa việc hỗ trợ mà không cần tỏ ra như cố vấn tâm lý.
“Tôi luôn cố gắng hành động cẩn thận. Tôi không muốn ai hiểu lầm rằng mình là chuyên gia được đào tạo để giúp đỡ người khác", Nick bày tỏ.
Streamer thanh nha tri lieu tam ly bat dac di-Hinh-3
Các streamer cần kết nối người xem tới sự hỗ trợ chuyên nghiệp. Ảnh: Haute Living. 
Michelle Ruth, nhà tư vấn tâm lý ở London (Anh), hiểu tại sao người xem cảm thấy có điểm tương đồng với streamer mà họ yêu thích. Tuy nhiên, cô cho rằng thay vì để streamer đóng vai trò nhà trị liệu tâm lý, người xem nên được tiếp cận các nguồn hỗ trợ chuyên nghiệp.
Theo Ruth, mặc dù một số người bình luận có thể đang nói đùa hoặc tìm kiếm sự chú ý, người điều phối kênh không nên trêu chọc mà nên kết nối họ đến nơi tư vấn tâm lý hoặc số điện thoại đường dây nóng.
“Đó là áp lực rất lớn đối với những người sáng tạo nội dung. Nhưng hậu quả nếu họ làm sai là không nhỏ”, Ruth cho biết.
Tuy nhiên, việc tìm đến hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp có thể tốn kém hoặc khó khăn. Đó chính là lý do tổ chức RAD nỗ lực gây quỹ gấp đôi và hy vọng có thể tổ chức livestream từ thiện hàng ngày vào tháng 5/2021.
Theo Docton, bài toán của RAD rất đơn giản: mọi người cần giúp đỡ và tổ chức cung cấp điều đó. Mặc dù có nhiều khó khăn trong thời gian cách ly, sự hỗ trợ từ cộng đồng yêu game có thể là bước đầu tiên để tìm kiếm sự trợ giúp.
“Mọi người đều đang vật lộn với cuộc sống, nhưng không có gì ngăn cản bạn nhận được sự trợ giúp tâm lý cần thiết lúc này”, anh khẳng định.
Theo Mai Hoàng/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)