“Mai táng trên trời”, còn được gọi là jhator, nghĩa là “bố thí cho những con chim”, là phong tục mai táng lâu đời của người Tây Tạng. Theo phong tục này, các thi thể không được chôn xuống đất mà được đặt trên sườn núi làm thức ăn cho loài chim kền kền.
|
Các nhà sư đi qua Tháp Lặng im sau khi thực hiện một nghi lễ mai táng ở Tây Tạng (Ảnh: Global Times) |
Jhator xem cuộc sống là vô thường và con người gắn kết với môi trường. Nó thể hiện lòng hào hiệp và sự từ bi của Phật giáo với chúng sinh, kể cả động vật. Do đó, khi một người chết đi, thi thể của họ được đưa trở lại tự nhiên để nuôi dưỡng những sinh linh khác.
Tuy nhiên, jhator cũng xuất phát từ những điều kiện tự nhiên đặc thù của Tây Tạng. Vùng đất thuộc lãnh thổ Trung Quốc này nằm giữa những đỉnh núi cao nhất của dãy Himalaya. Mặt đất ở Tây Tạng lởm chởm đá hoặc bị đóng băng vào mùa đông nên rất khó cho việc chôn cất. Bên cạnh đó, việc khan hiếm củi đốt cũng khiến người dân ở đây không áp dụng phương thức hỏa thiêu. “Mai táng trên trời” là phương pháp hiệu quả để phân rã thi thể người, đáp ứng cả về mặt tâm linh lẫn thực tế.
Trong những ngày đầu sau khi một người Tây Tạng qua đời, thi thể họ được quấn trong vải trắng và đặt ở góc nhà. Các nhà sư được mời tới để tụng niệm suốt 3 ngày nhằm giải thoát linh hồn khỏi sự tội lỗi. Đến thời điểm an táng, phần xương sống được bẻ gãy, thi thể được gập cong lại như một bào thai và bó lại để sẵn sàng vận chuyển.
Một người bạn thân hoặc người họ hàng có nhiệm vụ đưa thi thể đến điểm an táng linh thiêng gọi là durtro. Hành trình này bắt đầu từ lúc mặt trời mọc và gia đình họ cũng tham gia, đánh trống và hát. Đó có thể là một chuyến đi đầy gian khổ khi những điểm an táng nằm xa xôi, khó tiếp cận, trên những con dốc lớn.
|
Một rogyapas đang cho kền kền ăn thịt của xác chết ở Tây Tạng (Ảnh: Global Times) |
Theo truyền thống, chỉ gia đình mới được phép tham gia nghi lễ này bởi người Tây Tạng quan niệm rằng sự hiện diện của người lạ có thể cản trở linh hồn sang thế giới bên kia. Tuy nhiên, những người phương Tây có dịp chứng kiến tận mắt phong tục này gần đây cho hay họ vẫn được phép theo dõi nghi lễ với cam kết giữ khoảng cách đủ xa và không chụp ảnh.
Thi thể được nâng lên một bề mặt bằng đá và một người gọi là rogyapas sẽ mổ xẻ thành nhiều mảnh để chờ kền kền đến rỉa thịt. Thi thoảng một thầy tu sẽ thực hiện nghi lễ này. Ban đầu, ông đốt một ít cây cỏ để thu hút sự chú ý của lũ kền kền. Cả trăm con chim sẽ cùng bay đến đậu hoặc bay vòng trên đầu.
Các rogyapas thường vừa cười đùa vừa làm việc bởi không khí thoải mái rất quan trọng trong việc tiễn đưa người đã chết sang thế giới bên kia. Kền kền có thể gắp sạch những mảnh thịt chỉ trong 15 phút và khi đó, rogyapas quay lại xử lý bộ xương.
Dùng một cái dùi, ông đập vỡ và nghiền bộ xương ra, trộn chúng với tsampa, một loại thức ăn chủ yếu của người Tây Tạng được làm từ bơ bò và bột, sau đó ném cho bầy kền kền. Việc bỏ lại các phần thi thể bị xem là điều xấu, dù thi thoảng các mảnh xương cũng được cất để làm thành bát, chén trà, nhạc cụ và những vật dụng phục vụ lễ nghi khác.
|
Các nhà sư tại một điểm “mai táng trên trời” ở Tây Tạng (Ảnh: Global Times) |
Ngày nay, tục mai táng độc đáo của người Tây Tạng đã chính thức được công nhận và bảo vệ nhưng nó cũng vấp phải những ý kiến trái chiều. Chính phủ Trung Quốc và Mông Cổ lên án nó là hoạt động mê tín. Trung Quốc đã ban lệnh cấm jhator từ cuối những năm 1960 đến 1980.
Dù vẫn phổ biến ở các vùng nông thôn, sự suy giảm của số lượng kền kền đã khiến phong tục này ngày càng khó thực hiện. Đây cũng là một nghi lễ tốn kém do chi phí thuê rogyapas đắt đỏ. Vì thế, một số gia đình lựa chọn hình thức jhator đơn giản hơn, đưa thi thể cho kền kền ăn với ít nghi lễ hơn. Tại các vùng đô thị, người dân ngày càng chuộng phương thức hỏa táng.
“Mai táng trên trời” dường như là một phong tục nguyên thủy và không thích hợp với văn hóa phương Tây, tuy nhiên xu hướng an táng sinh thái này thực tế đang phát triển. Tại Anh, có những công ty như Woodland Burials đã cung cấp các phương thức thay thế chôn cất hay hỏa táng truyền thống thân thiện với môi trường hơn và có chi phí phải chăng.
|
Bầy kền kền rỉa xác chết tại một điểm mai táng ở huyện Sertar, Tây Tạng (Ảnh: Global Times) |