Theo kênh truyền hình National Geographic, con thằn lằn họng xanh trưởng thành (tên khoa học là Dalmatian algyroides) có ba đuôi đầu tiên đã được phát hiện tại Metohija, Kosovo vào tháng 6/2015. Ba chiếc đuôi của nó có độ dài khác nhau lần lượt là: 30, 15 và 10 mm.
Nhà sinh vật học Daniel Jablonski, thuộc trường Đại học Comenius tại Bratislava, Slovakia, đồng thời cũng là người phát hiện ra con thằn lằn ba đuôi này, nhận định, đây là cá thể ba đuôi đầu tiên được ghi nhận trong loài thằn lằn họng xanh và cũng là một trong số ít cá thể thằn lằn ba đuôi trên thế giới. Bò sát hai đuôi được phát hiện nhiều hơn nhưng cũng vẫn là rất hiếm.
|
Cận cảnh thằn lằn họng xanh với ba chiếc đuôi có độ dài khác nhau. Ảnh National Geographic |
“Tôi đã nghiên cứu các loài bò sát suốt một thời gian dài, cũng như phân tích hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn loài nhưng đây là cá thể thằn lằn ba đuôi đầu tiên tôi từng phát hiện”, ông cho biết thêm.
Ba chiếc đuôi của thằn lằn họng xanh là kết quả của quá trình tự cắt đuôi nhằm trốn tránh động vật săn mồi của loài thằn lằn, khi đó, sụn đuôi sẽ thay thế phần xương đuôi đã mất.
Các nghiên cứu về thằn lằn nhiều đuôi trước kia chỉ ra rằng, phần đuôi thêm thường xảy ra là do đuôi chính chưa bị cắt rời hoàn toàn và vẫn còn gắn với thân thằn lằn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phần đuôi thêm được mọc ra sau khi đuôi chính đã bị cắt đứt hoàn toàn, ví dụ như con thằn lằn họng xanh ba đuôi mới phát hiện tại Kosovo.
|
Chú thằn lằn ba đuôi này vẫn sinh hoạt bình thường mà không gặp khó khăn gì. Ảnh National Geographic |
Một bằng chứng nữa cho thấy đuôi mới của con thằn lằn họng xanh Kosovo mọc ra sau khi đuôi chính của nó bị cắt rời hoàn toàn là phần da trên đuôi mới có màu sắc và hoa văn hoàn toàn khác so với phần cuống đuôi cũ.
Thông thường, có nhiều đuôi sẽ ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng cũng như di chuyển của thằn lằn, nhưng con thằn lằn ba đuôi Kosovo mới được phát hiện vẫn sinh hoạt bình thường mà không gặp khó khăn gì và đã được thả đi sau khi nghiên cứu.