Thợ bắt rắn tại Australia cảnh báo người dân chuẩn bị đối phó với cơn sóng thần rắn khi loài bò sát này có thể bò tới nhà người dân do thời tiết bắt đầu trở nên nắng nóng.
“Rắn là loài bò sát máu lạnh vì thế khi thời tiết nóng lên chúng hoạt động mạnh hơn” – Tony Harrison – một thợ bắt rắn tại Gold Coast ở Queensland nói.
|
Rắn bò vào nhà dân ở Queensland. Ảnh: Dailymail |
Tony Harrison tiết lộ mỗi ngày anh nhận được từ 7-10 cuộc gọi tới bắt rắn. Chỉ hai tuần trước Harrison đã bắt được hơn 100 con rắn ở bụi rậm gần nhà dân. Trong đó bao gồm cả trăn, rắn xanh và rắn nâu – một loài rắn kịch độc thứ hai trên đất liền chỉ sau rắn Inland Taipan.
Vào hôm thứ Ba (26/9) đã có 3 người bị rắn cắn phải nhập viện tại Queensland. Hôm thứ Tư (27/9), một gia đình tại Newcastle ở Queensland đã phải ở trong nhà gần như cả ngày khi có một con rắn tới “gõ cửa”.
|
Rắn nâu tới "gõ" cửa nhà dân ở Newcastle. Ảnh: Smh.com |
“Nó dùng đầu thúc mạnh vào cánh cửa” – Anita Johnson – chủ nhà ở Newcastle thuật lại.
Zac Bower – người trông coi rắn độc tại Công viên bò sát Australia cho biết, đó là loài rắn nâu độc. Đây là một trong những loài rắn độc nhất thế giới, thường dài từ 1,1 – 1,8 mét, nhưng có thể dài hơn 2 mét.
Zac Bower cho biết, thời tiết nóng, khô khiến rắn xuất hiện ở vùng ngoại ô nhiều hơn trong mùa giao phối.
|
Thợ bắt rắn còn bắt gặp cả trăn cũng muốn vào nhà dân. Ảnh: Dailymail |
“Thời tiết bắt đầu ấm lên và khiến cho những con rắn đực chủ động ra ngoài tìm kiếm rắn cái. Đồng thời do thiếu mưa vào thời điểm này nên cũng khiến cho con rắn tỏa đi các nơi hơn. Chúng có thể tìm kiếm nguồn nước và nơi để trốn khỏi cái nóng hoặc chỉ đơn giản là đi săn tìm thức ăn” – Zac Bower nói.
Bower cảnh báo người dân khi nhìn thấy rắn thì không nên tiếp cận gần và nên nhờ các chuyên gia bắt rắn để loại bỏ các con rắn ra khỏi nhà một cách an toàn. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên người dân không nên để cỏ rậm hay các mẩu thức ăn, rác thải bữa bãi, vì đây có thể là nơi thu hút rắn tới.