Mặc dù được gọi là sâu hay trùn nhưng đây là loài ăn thịt qua thân vòi lớn với 4 lỗ rỗng. Vết cắn của trùn máu cũng gây đau đớn kinh khủng cho con người. Đặc biệt là cơ thể trùn máu chứa rất nhiều đồng nhưng không khiến cho chúng bị nhiễm độc. Trùn máu là một trong các "ngôi sao" trong bộ sưu tập của Ronald Jenner, chuyên gia về sự tiến hóa của nọc độc.
Mọi người rất muốn tìm hiểu những "thành viên" đáng sợ trong bộ sưu tập của Ronald Jenner mang đến Triển lãm động vật có nọc độc diễn ra trong tháng 11-2017 tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (NHM) ở thủ đô London nước Anh.
|
Ronadl Jenner và bộ sưu tập "quái vật" khủng của ông. |
Tất cả động vật kinh dị trong cuộc triển lãm ở NHM đều đã chết và được ngâm trong lọ chứa chất dịch bảo quản. Nọc độc động vật là độc tố - thường là loại peptide hay protein (chất đạm) cấu trúc lớn - được tiêm vào vết thương con mồi qua cơ chế đặc biệt - bao gồm răng nọc, vuốt hay ngòi. Loài trùn máu được Ronald Jenner gọi là "sâu mang mặt nạ Halloween".
Độc tố thần kinh của trùn máu được các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới sử dụng để nghiên cứu hoạt động giao tiếp của tế bào não người. Chuyên gia cho biết: "Nọc độc được sử dụng trong ngành mỹ phẩm - ví dụ như mặt nạ đắp mặt chứa peptide rắn có công dụng chăm sóc da. Rượu vang đỏ cũng thường được gạn lọc bằng bong bóng cá trê có độc. Tóm lại, cuộc sống của chúng ta không thể thiếu nọc độc của động vật".
|
"Quái vật Gila" bên trong lọ bảo quản. |
Ngoài ra, nọc độc một số loài không xương sống như nhện, rết và bọ cạp phục vụ cho nghiên cứu phát triển dược phẩm chữa trị đột quỵ. Vết cắn từ nhện độc Hadronych infensa - tìm thấy nhiều tại 2 bang Queensland và New South Wales của Australia - có thể giết chết một người trong 15 phút, song một phân tử vô hại chứa trong nọc loài này lại có tác dụng bảo vệ các tế bào não sau đột quỵ.
Phân tử vô hại có tên gọi Hi1a được nhóm nhà khoa học từ 2 trường đại học Queensland và Monash (Australia) phát hiện tình cờ sau khi giải mã trình tự ADN từ nọc loài nhện cực độc Hadronyche infensa ở nước này. Để nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học thu thập nọc từ 3 con nhện độc bắt được trên bờ biển Orchid nằm cách thành phố Brisbane. Các nhà nghiên cứu Australia hy vọng sẽ sớm được phép tiến hành những cuộc thí nghiệm nơi người với Hi1a trong vòng 2 năm tới.
Theo các nhà nghiên cứu, Hi1a có thể bảo vệ các tế bào não khỏi bị tổn hại sau cơn đột quỵ, thậm chí hiệu quả bảo vệ kéo dài đến nhiều giờ sau đó. Nếu nghiên cứu nơi người thành công, Hi1a sẽ chính thức được sử dụng để điều trị đột quỵ cho bệnh nhân. Trong một loạt thí nghiệm tiến hành trên chuột trong phòng thí nghiệm, Giáo sư Glenn King ở trung tâm nghiên cứu cảm giác đau Đại học Queensland nhận thấy chỉ một liều nhỏ phân tử Hi1a cũng bảo vệ được các tế bào thần kinh (neuron) không bị tổn hại do đột quỵ.
|
Dơi quỷ hút máu ở Trung và Nam Mỹ. |
Một số nọc độc có tác dụng làm đông máu trong cơ thể con mồi dẫn đến đột quỵ và chết nhanh chóng. Ngược lại, một số loại nọc độc khác được coi là tác nhân chống đông máu. Dơi quỷ (loài dơi hút máu ở Trung và Nam Mỹ) sử dụng loại nọc này để từ từ hút máu con mồi. Do đó, nọc độc dơi quỷ rất hữu ích trong nghiên cứu dược phẩm. Một ví dụ khác là loài rắn hổ Brazil chứa nọc độc có thể làm hạ huyết áp nạn nhân và từ đó giúp các nhà khoa học tìm ra loại thuốc chữa bệnh này.
|
Trùn máu được Ronald Jenner gọi là "sâu mang mặt nạ Halloween". |
Ngoài ra, loài rồng Komodo cũng sở hữu chất độc làm hạ huyết áp nạn nhân. Kế đến là loài thằn lằn Nam Mỹ được gọi là "Quái vật Gila", chủ yếu sống ở vùng sa mạc ở Mỹ và Mexico. Các nhà khoa học phát hiện một hoạt chất gọi là exendin-4 có trong nước bọt thằn lằn có đặc tính điều chỉnh lượng đường trong máu người mắc bệnh đái tháo đường.
Công ty dược phẩm Anh AstraZeneca đưa ra thị trường loại thuốc được bào chế dựa trên phân tử exenatide để chữa bệnh đái tháo đường Type 2 và kết quả rất đáng kinh ngạc.