Từ trước đến nay, con người vẫn ghi nhớ rằng các Pharaoh Ai Cập là người nắm trong tay công thức bảo quản, ướp xác của thời xưa.
Theo tờ Live science, phát hiện mới đây của các chuyên gia thuộc Đại học Maccquaire, Australia cho thấy kỹ thuật ướp xác thuộc về những người Ai Cập sống từ trước khi xuất hiện các Pharaoh.
Cụ thể, các nhà khoa học tin rằng người Ai Cập sống trước thời Pharaoh hơn 1.000 năm đã có kiến thức về quy trình bảo quản xác và cũng có niềm tin về tôn giáo.
Nghiên cứu xác ướp cổ đại khai quật được ở Badari và Mostagedda (khoảng 4.500 - 3.350 năm TCN), các chuyên gia phát hiện người xưa được chôn vùi cùng túi nhỏ chứa hạt làm từ nhựa cây.
Điều này gợi ra suy nghĩ cho các nhà khoa học về việc người xưa dùng nhựa cây như 1 cách ướp xác thô sơ.
Trước đây, với những xác ướp cổ xưa hơn, dù không có xác nhưng họ lại tìm thấy những mảnh vải lanh có dấu vết nhựa cây. Trong khi đó, những mảnh vải này được dùng để bọc xác chết một cách cẩn thận.
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên tắc cơ bản mà người Ai Cập cổ đại đã sử dụng là bảo quản nguyên xác. Họ sẽ luôn để xác ướp được toàn vẹn, không thiếu bộ phận nào. Giả dụ như nếu xác chết bị thiếu tay, thiếu chân, thì người xưa sẽ lắp chiếc chân, tay giả vào để cho đủ bộ phận.
Sau đó, xác chết được quấn vải kĩ lưỡng. Nhựa thông và hương liệu là hai chất kháng khuẩn chính để ngăn chặn côn trùng và bảo quản các phần mềm.
Phần vải được nhúng vào hỗn hợp nhựa đun chảy cùng với hương liệu sau đó dùng để quấn xác.