Theo Daily Mail, các nhà nghiên cứu phát hiện dấu vết của thủy ngân sulfua (Hgs) hay còn gọi là chu sa trên trang phục hai thiếu nữ Inca bị hiến tế ở Chile cách đây khoảng 500-600 năm.
|
Xác ướp thiếu nữ bị đem hiến tế ở Chile cách đây 600 năm. |
Chu sa là khoáng vật của thủy ngân trong tự nhiên, dĩ nhiên nó cũng là chất độc đe dọa đến não bộ, tim, gan, phổi và hệ miễn dịch của con người ở mọi lứa tuổi.
Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu phát hiện ra dấu vết của chu sa tại các khu mộ cổ trong khu vực.
Xác ướp hai thiếu nữ bị hiến tế và đem chôn cất lần đầu được khai quật vào năm 1976 ở ở Cerro Esmeralda, Chile. Hai thiếu nữ là nạn nhân của capacocha, một nghi thức hiến tế đặc biệt của người Inca.
Người Inca thường hiến tế trẻ em mỗi khi vua của họ qua đời, nhằm ngăn chặn các thảm họa tự nhiên hoặc phục vụ nghi thức tế thần.
Các trẻ em được lựa chọn để tế thần phải là những người không tì vết. Các em trải qua hành trình dài đến nơi tế thần trên núi và được chôn cất cùng nhiều đồ tùy táng có giá trị.
Trong bài viết đăng tải trên Forbes, Kristina Killgrove, một nhà khảo cổ sinh học đã hé lộ những phát hiện mới về hai xác ướp thiếu nữ. “Quá trình phân tích hóa học xác nhận sự tồn tại của chu sa bên ngoài lớp quần áo của hai xác ướp”.
Các chuyên gia hiện chưa rõ vì sao người Inca lại bôi chu sa lên quần áo của hai thiếu nữ hiến tế. Đây có thể là hành động có chủ ý để những kẻ lạ mặt không xâm phạm những xác ướp vốn được đem tế thần. Bất kỳ ai hít phải bụi chu sa thì cũng có thể bị ngộ độc thủy ngân.