|
Tiểu vương Kuwait Sheikh Sabah al-Ahmad al-Sabah (phải) họp bàn với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: KUNA.
|
Tối qua (10/7), Ngoại trưởng Tillerson đã gặp gỡ Tiểu vương Kuwait Sheikh Sabah al-Ahmad al-Sabah và các quan chức cao cấp của Kuwait để thảo luận về những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại vùng Vịnh.
"Chúng tôi đang cố gắng để giải quyết một vấn đề không chỉ liên quan đến chúng tôi mà còn ảnh hưởng tới cả thế giới", ông Sheikh Sabah nói với Ngoại trưởng Mỹ.
Các quan chức Mỹ cho biết, ông Tillerson không mong đợi một bước đột phá ngay lập tức, mà họ lo ngại rằng cuộc khủng hoảng vùng Vịnh có thể còn kéo dài vài tháng nữa.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh bắt đầu nổ ra khi Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ với Qatar vào ngày 5/6 và áp đặt lệnh phong tỏa trên đất liền, trên không và trên biển đối với nước này. Bốn quốc gia trên cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố, tuy nhiên, Qatar đã bác bỏ và nói rằng đó là cáo buộc "vô căn cứ".
Trong khi đó, theo RT, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng những yêu cầu của Ả-rập Xê-út và các nước Ả-rập khác đối với Qatar là phi thực tế nhưng một số vẫn có thể thương lượng. Tháng trước, bốn quốc gia Arập thông qua Kuwait, quốc gia trung gian hòa giải khủng hoảng vùng Vịnh, gửi Qatar bản yêu cầu gồm 13 điểm chính. Trong đó, các nước này có yêu cầu Qatar chấm dứt tài trợ cho khủng bố, hạ bậc ngoại giao với Iran, đóng cửa truyền hình Al Jazeera, hủy bỏ căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar…
Qatar đã phủ nhận cáo buộc tài trợ khủng bố, đồng thời từ chối thực hiện các yêu cầu của 4 nước Arập nói trên và gọi đó là một "cuộc tấn công chủ quyền của Qatar".
Ngoài ra, Doha cũng từ chối yêu cầu của nhóm bốn nước Arập nói trên về việc chứng minh họ có liên kết với các nhóm khủng bố.
Tư vấn truyền thông của Ngoại trưởng Tillerson, RC Hammond, cho rằng cộng đồng quốc tế đang mất dần sự kiên nhẫn với việc tài trợ cho các nhóm khủng bố của quốc gia vùng Vịnh. Ông nhấn mạnh rằng tất cả các nước trong khu vực phải hành động chống lại những nguồn tài trợ khủng bố.
Washington đã đưa ra những quan điểm rất khác nhau về vấn đề này kể từ khi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh bắt đầu hồi tháng 6. Trong khi Tổng thống Donald Trump ủng hộ việc phong tỏa Qatar do Ả-rập Xê-út cầm đầu, thì Ngoại trưởng Tillerson lại kêu gọi giảm bớt lệnh cấm vận với Qatar. Ngoài ra, chỉ vài ngày sau khi ông Trump tuyên bố ủng hộ việc cấm vận Qatar vì "tài trợ khủng bố” thì Mỹ lại thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá hơn 21 tỷ USD cho nước này.