Xét nghiệm nhanh chất tạo nạc tồn dư trong thịt

Google News

Theo GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TPHCM, việc phát hiện chất cấm clenbuterol và salbutamol trong thịt heo không phải là lần đầu.

- Theo GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TPHCM, việc phát hiện chất cấm clenbuterol và salbutamol trong thịt heo không phải là lần đầu. Thỉnh thoảng phát hiện được một vụ, dư luận ầm ĩ một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Vấn đề cần thiết là cơ quan chức năng phải có quy trình quản lý chặt chẽ và kiểm soát thường xuyên bằng xét nghiệm nhanh các loại chất cấm này.
[links()]
Khó quản lý hóa chất độc   
 
Năm 2005 xuất hiện clenbuterol và tiếp theo là salbutamol năm 2006 đã được phát hiện trong thịt heo và thức ăn chăn nuôi, mặc dù Bộ NN&PTNT đã cấm sử dụng các chất này trong sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN). Từ đó đến nay, hai chất này vẫn được lén sử dụng, vài năm nay có giảm, nhưng gần đây lại tái phát.

Tôi đã từng khuyến cáo, mua thịt heo không nên mua loại thịt lớp mỡ dưới da mỏng bởi chất clenbuterol và salbutamol có tác dụng diệt tế bào mỡ, cả tế bào thịt nhưng ít hơn, do đó lớp mỡ dưới da rất mỏng. Tác hại của clenbuterol và salbutamol trên người là gây rối loạn nhịp tim, rối loạn chức năng gan thận.
 
Hơn nữa, các độc chất này còn được phát hiện tập trung nhiều ở gan và thận heo, gà, nguy cơ gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng càng lớn nếu dùng nhiều gan, thận heo. Với hàm lượng tương đối nhỏ trong TACN, các chất này không gây ngộ độc cấp tính, nhưng khi tích lũy dần theo thời gian có thể gây những biến chứng nguy hiểm.

Vấn đề cần thiết và cấp bách  là cơ quan chức năng phải có những biện pháp quản lý chặt hơn nữa việc sử dụng hóa chất gọi là phụ gia thực phẩm. Hiện nay, thị trường bán hóa chất quá dễ dàng, hóa chất cấm bán công khai, trôi nổi ở các chợ.

Trên địa bàn TPHCM, hiện có những phòng thí nghiệm trang bị  tốt, đáp ứng đây đủ các yêu cầu kiểm nghiệm ATVSTP. Tuy nhiên, với tình hình sản xuất như hiện nay, một vài phòng kiểm nghiệm khó đảm đương nổi trong việc kiểm soát chất cấm mà cần có sự phối hợp chặt giữa các phòng kiểm nghiệm.
 
Ngoài công việc kiểm nghiệm thường xuyên, mỗi phòng kiểm nghiệm được phân công theo dõi chất lượng của một loại thực phẩm nhất định như sữa, thịt heo, gà vịt, thủy sản, rau củ quả, dầu mỡ và các loại nước chấm... Báo cáo định kỳ diễn biến về chất lượng thực phẩm đó và nếu phát hiện bất cứ hiện tượng không bình thường nào thì lập tức báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp tập hợp lực lượng triển khai phòng chống hữu hiệu. Kinh phí đầu tư không nhiều mà hiệu quả sẽ tích cực hơn.
Khó mà tìm được thịt mỡ trong phần thịt lợn toàn thịt nạc này.
Khó mà tìm được thịt mỡ trong phần thịt lợn toàn thịt nạc này.
 
Cần có quy trình xét nghiệm nhanh
 
Ngoài những giải pháp trên, cần sớm triển khai xây dựng các phòng kiểm nghiệm kiểm soát nhanh ở các chợ đầu mối, nơi mà hàng đổ về chợ mỗi đêm rất nhiều và phân phối đi các chợ bán lẻ chỉ trong vài giờ.

Dụng cụ xét nghiệm nhanh là những bộ kit cho phép xác nhận nhanh sự hiện diện của một hóa chất nhất định trong một nền mẫu. Tất nhiên hầu hết các phép thử nhanh này hiện được đánh giá chỉ có tính sàng lọc, chưa đươc công nhận là phương pháp thử nghiệm chính thống.
 
Hiện, chúng tôi cũng đã nghiên cứu, xây dựng qui trình định lượng hai chất này trên nền TACN và nền thịt lần lượt bằng kỹ thuật sắc ký lỏng ghép khối phổ LC/MS và tiếp đó là sắc ký lỏng ghép khối phổ ba tứ cực LC-MS/MS. Phương pháp này đạt tất cả các yêu cầu về độ chọn lọc, độ nhạy, độ phân giải theo Codex và theo châu Âu và đã được công bố năm 2008 trong một số hội nghị hóa học trong và ngoài nước, tuy nhiên thời gian cho kết quả lâu hơn.

Riêng về trường hợp clenbuterol, salbutamol, hiện đã có kit thử nhanh đơn giản nhưng khá hiệu nghiệm của Công ty Thời Đại Xanh (TPHCM). Giới hạn nhỏ nhất có thể phát hiện đối với clenbuterol là 1 microgram/kg thịt và đối với salbutamol là 3 microgram/kg thịt. Công ty Dịch vụ KHCN sắc ký Hải Đăng TPHCM cũng đang hợp tác với chợ đầu mối Bình Điền (quận 8,TPHCM) xây dựng phòng kiểm nghiệm.
 
Với bộ kit thử nhanh, giới hạn phát hiện còn cao hơn so với yêu cầu của châu Âu (nồng độ tối đa cho phép của clenbuterol trong thịt heo là 0,1 microgram/kg). Và trong tình hình thực tế nước ta với nồng độ clenbuterol, salbutamol đo được thấp nhất cũng khoảng vài microgram/kg thì bộ kit có thể đủ để phát hiện các độc chất trong nền thịt và thức ăn chăn nuôi.
Quỳnh Hương (ghi)

Bình luận(0)