Không thể phủ nhận nỗ lực rất lớn của Apple trong vài năm qua đểđưa các tính năng chăm sóc sức khoẻ người dùng trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trên các sản phẩm Apple. Đã có nhiều câu chuyện thực tế người dùng nhờ đồng hồ Apple Watch mà đã giảm được cân, cứu phụ nữ mang thai, cứu người bị lên cơn đau tim… Do đó, đồng hồ thông minh của Apple giờ đây đóng vai trò tương tự như một huấn luyện viên, chuyên gia sức khoẻ gia đình đối với nhiều người.
Dĩ nhiên, bạn không nên (và cũng không được) tuyệt đối hoá vai trò của Apple Watch đối với sức khoẻ: smartwatch này không thể thay thế vai trò của một bác sĩ hay chuyên gia y tế chuyên nghiệp. Dù vậy, những tính năng hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ mà Apple Watch mang lại trong vài năm trở lại đây thực sự ấn tượng. Tại sự kiện ra mắt iPhone vừa qua, với sự xuất hiện của đồng hồ thông minh Apple Watch Series 5 (đã có thể đặt trước từ bây giờ) và hệ điều hành watchOS 6 (sẽ có thể tải về bắt đầu từ ngày 19/9), smartwatch của Apple có thể giúp bạn rất nhiều khía cạnh về sức khoẻ - thậm chí, trong một số trường hợp nguy cấp, nó còn có thể cứu mạng bạn.
1. Cảnh báo tiếng ồn để giúp bạn bảo vệ thính giác
Trong nhiều trường hợp, chúng ta chỉ để ý và quan tâm đến sự suy giảm thính lực của bản thân khi mọi thứ đã quá muộn. Điều này là bởi sự suy giảm chức năng thính giác của con người diễn ra một cách từ từ, qua một thời gian dài, với nguyên nhân chính đến từ những yếu tố cả về di truyền lẫn môi trường sống xung quanh.
Apple Watch sẽ giúp ngăn ngừa những yếu tố môi trường tác động đến khả năng nghe của người dùng thông qua ứng dụng Noise, một tính năng tích hợp trên đồng hồ thông minh Apple Watch giúp phát hiện tiếng ồn vượt quá mức chịu đựng của tai người (trên 90 decibels) và đưa ra cảnh báo cho người dùng về nguy cơ mất thính lực nếu sinh hoạt trong môi trường như vậy trong một thời gian dài.
Bạn có thể trải nghiệm ứng dụng Noise bắt đầu từ ngày 19/9, khi hệ điều hành watchOS chính thức được tung ra cho mọi thiết bị Apple Watch.
2. Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt
Cuối cùng, Apple đã thực sự thể hiện sự quan tâm đối với lĩnh vực theo dõi sức khoẻ phụ nữ bằng việc bổ sung tính năng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt (Cycle Tracking) cho đồng hồ Apple Watch, đồng thời tích hợp tính năng này vào ứng dụng Health (Sức khoẻ) trên iPhone.
Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt thường xuyên có vai trò rất quan trọng để các bạn nữ có thể nắm bắt được tình trạng sức khoẻ tổng thể của bản thân: Chu kỳ kinh nguyệt không đều có thể là dấu hiệu của các tình trạng bệnh lý như hội chứng buồng trứng đa nang, vô sinh, loãng xương hoặc đánh dấu sự bắt đầu của thời kỳ mãn kinh.
Cũng như app Noise, tính năng Cycle Tracking sẽ "tới tay" người dùng từ ngày 19/9, khi hệ điều hành iOS 13 và WatchOS 6 chính thức được phát hành.
3. Phát hiện và gọi cứu hộ khi người dùng bị té ngã
Khi đồng hồ Apple Watch Series 4 ra mắt với tính năng phát hiện té ngã, tính năng này đã trở thành tâm điểm "chế nhạo" của một số người. Tuy nhiên, đối với những ai đã từng không may gặp phải trường hợp này và không thể tự mình đứng dậy, thì đây hoàn toàn không phải là một trò đùa. Đã có rất nhiều người được cứu sống nhờ tính năng phát hiện té ngã của Apple Watch kể từ khi nó được ra mắt.
Tính năng này hoạt động bằng cách phát ra âm thanh cảnh báo nếu nó phát hiện người đeo vừa bị ngã, đồng thời trên màn hình xuất hiện một thông báo đẩy (push notification) hỏi xem người dùng có ổn không. Nếu đồng hồ không phát hiện bất kỳ chuyển động nào từ người đeo sau một khoảng thời gian nhất định, nó sẽ tự động liên hệ với các dịch vụ cấp cứu và gọi cho các số điện thoại liên lạc khẩn cấp mà người dùng đã cài đặt trước đó để xin trợ giúp.
4. Cảnh báo khi phát hiện người dùng có nhịp tim bất thường
Đã có những phản hồi trái chiều từ cả người dùng lẫn các chuyên gia về ứng dụng theo dõi điện tâm đồ (ECG) của Apple Watch kể từ khi nó được ra mắt cùng với đồng hồ Apple Watch 4 vào năm 2018. Ứng dụng này có khả năng phát hiện tình trạng rung tâm nhĩ (AFib), một trong những dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất, thông qua một bài test 30 giây. Nhịp tim bất thường không phải lúc nào cũng nguy hiểm nếu xét trên phương diện y tế, nhưng nó có thể dẫn đến các biến chứng như đột quỵ, cục máu đông hay thậm chí là suy tim.
Hệ điều hành watchOS 6 mới cũng sẽ định kỳ kiểm tra nhịp tim của người dùng bằng cảm biến nhịp tim tự động và sẽ cảnh báo cho bạn nếu nhận thấy bất cứ điều gì bất thường. Nếu nhận được cảnh báo AFib từ Apple Watch, bạn nên sắp xếp lịch hẹn với bác sĩ để kiểm tra lại và có hướng điều trị (nếu mắc bệnh lý).
Dưới đây là hình ảnh minh hoạ cách sử dụng ứng dụng ECG trên Apple Watch.
5. Phát hiện nhịp tim quá cao (hay quá thấp)
Tương tự như tính năng AFib, Apple Watch cũng có khả năng phát hiện tình trạng nhịp tim cao (nhịp tim nhanh) và nhịp tim thấp (nhịp tim chậm) bất thường. Trước đó, để tính năng này có thể hoạt động, bạn cần nhập thủ công một trị số (ngưỡng) nhịp tim cao và nhịp tim thấp phù hợp với bản thân vào ứng dụng Apple Watch trên iPhone của bạn (hướng dẫn tại đây). Nếu đồng hồ Apple Watch phát hiện nhịp tim của bạn ở trên (hoặc dưới) phạm vi đó, nó sẽ gửi thông báo cho bạn.
Một số nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại tính năng này có thể dẫn đến tình huống báo động sai. Ví dụ, những người rất khỏe mạnh thường có nhịp tim lúc nghỉ ngơi (không hoạt động mạnh) thấp hơn bình thường, và khi đó Apple Watch có thể kích hoạt thông báo nhầm. Mặc dù vậy, ngay cả khi trường hợp đó có thể xảy ra, thì "có còn hơn không", "thừa còn hơn thiếu" - cá nhân tôi cho rằng thà Apple Watch phát hiện sai một vài lần nhưng trong số đó có một lần đúng thì vẫn tốt hơn, bởi khi ấy nó vẫn cứu được một mạng người.
Tính năng bổ sung: Gửi dữ liệu sức khoẻ của bạn để phục vụ nghiên cứu khoa học
Tại sự kiện ra mắt iPhone diễn ra hôm 10/9 vừa qua, Apple cho biết người dùng Apple Watch và iPhone có thể tham gia vào ba dự án nghiên cứu quy mô lớn thông qua ứng dụng Research (sẽ phát hành sau). Những nghiên cứu này tập trung vào sức khoẻ thính lực, sức khoẻ phụ nữ và sức khoẻ tim mạch, được tiến hành bởi một vài trong số những tổ chức y tế lớn nhất thế giới.
Vậy bạn được lợi gì khi tham gia các dự án này? Thông qua việc chia sẻ các dữ liệu về sức khoẻ của bản thân với các nhà nghiên cứu y tế, bạn có thể góp phần vào những tiến bộ trong công nghệ theo dõi và chăm sóc sức khoẻ cho các thiết hệ tương lai – chẳng hạn như tính năng phát hiện nhịp tim bất thường của Apple Watch dựa trên các dữ liệu được thẩm định bởi Apple Heart Study, một dự án nghiên cứu "ảo" đầu tiên thuộc lĩnh vực này.
Chúng ta có thể hy vọng kết quả của những công trình nghiên cứu này sẽ được ứng dụng để xây dựng các tính năng theo dõi và chăm sóc sức khoẻ trên các thế hệ Apple Watch và iPhone mới trong tương lai.