Vùng đất kỳ lạ nơi người dân 65 ngày không thấy ánh Mặt trời

Google News

Người dân ở vùng đất này sẽ trải qua 65 ngày sống và làm việc mà không nhìn thấy ánh sáng Mặt trời.

Cứ sau 15/11 cho tới đầu tháng 12 hàng năm là thời điểm cuối cùng ánh mặt trời ló dạng trên đường chân trời của vùng đất này. Sau đó, chuỗi 65 ngày sống không thấy ánh Mặt trời của cư dân bắt đầu. Phải tới ngày 23 hoặc 24/1 năm sau, họ mới lại nhìn thấy Mặt trời.

Đó chính là Utqiagvik thuộc Alaska, Mỹ - vùng đất độc nhất vô nhị trên thế giới khi mỗi năm luôn có tới hơn 2 tháng liền chìm trong bóng tối.

Theo nhà khí tượng học Judson Jones, đây là hiện tượng thiên nhiên xảy ra hàng năm có tên "đêm vùng cực".

Thị trấn Utqiagvik khi bước vào thời kỳ “đêm vùng cực”.

Đối với hiện tượng này, giới khoa học giải thích, do vị trí nằm cách xa đường xích đạo về phía bắc, Utqiagvik phải chịu cảnh thiếu Mặt trời suốt thời gian khá dài. Tuy nhiên, cư dân của Utqiagvik sẽ thấy một chút ánh nắng lúc chạng vạng, khi Mặt trời nằm dưới đường chân trời khoảng 6 độ. Chạng vạng kéo dài khoảng 6 tiếng và sẽ giảm xuống còn 3 tiếng vào giữa thời kỳ đêm vùng cực.

Cùng với việc chìm trong bóng tối, nhiệt độ tại đây sẽ lao dốc trong thời gian này, giảm xuống mức -20 độ C ở những tháng mùa đông.

Được biết, Utqiagvik hiện là nơi sinh sống của hơn 4.000 cư dân. Phần lớn họ là Iñupiat Alaska bản địa. Trước đây, họ thường kiếm sống bằng việc săn bắt cá voi, tuần lộc, hải cẩu và các loài chim. Hiện cư dân của thị trấn Utqiagvik thường làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau với mục đích chung là để phục vụ cho công tác khai thác mỏ dầu ở gần đó.

So với các bang còn lại của nước Mỹ, phần lớn cư dân ở Utqiagvik có cuộc sống tách biệt. Tuy du lịch đã phát triển hơn trong những năm gần đây, nhưng tổng số nhà hàng trong thị trấn chỉ dừng lại ở con số 5.

Myron McCumber, cùng vợ Susan McCumber, điều hành một nhà nghỉ 12 phòng ở Utqiagvik, Alaska. Nói về cuộc sống ở Alaska, Myron McCumber cho biết: "Người Alaska có xu hướng là những người có suy nghĩ khá độc lập. Dù vẫn thuộc Mỹ nhưng cuộc sống ở đây khá tách biệt".

Tuyết phủ trắng nhiều nơi, nhiệt độ thường ở dưới mức đóng băng.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ở Utqiagvik cũng đi kèm với những thách thức riêng. Cụ thể là giá cả thực phẩm. Vì quá trình vận chuyển hàng hoá đến đây tốn rất nhiều công sức, đặc biệt là trong thời điểm bóng tối bao trùm, nên giá cả hàng hoá thường sẽ bị tăng lên gấp nhiều lần khi đến tay người tiêu dùng.

Chẳng hạn, một chai nước khoáng bình thường được mua ở Walmart có giá 6 USD (khoảng 147.000 đồng), thì ở đây được bán với giá 48 USD (hơn 1,1 triệu đồng), tương đương tăng gấp 8 lần. Hộp sữa có thể tích 4 lít được bán với giá 14 USD (khoảng 345.000 đồng), và một túi bột giặt giá 98 USD (khoảng 2,4 triệu đồng).

Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và giá thực phẩm đắt đỏ, người dân vẫn tìm được cách thích nghi. Cùng với đó, khách du lịch từ nhiều nơi trên thế giới vẫn đổ về đây để quan sát các hiện tượng thiên nhiên kỳ thú.

Theo Minh Hoa /Người đưa tin

>> xem thêm

Bình luận(0)