Một ngày nào đấy, có lẽ con cháu của bạn có thể mở sách khoa học và đọc được rằng voi, hổ, sư tử là những con vật hùng dũng, đã tuyệt chủng, từng tồn tại trên Trái Đất giống như voi Ma mút hay loài Khủng long Triceratops.
Theo báo cáo mới đây của các nhà bảo tồn sinh vật học trên tờ BioScience ngày 27/7, nhiều con thú lớn trên thế giới có thể bị tuyệt chủng vào năm 2100 nếu các biện pháp bảo tồn không được thực hiện một cách quyết liệt. Để ngăn chặn điều này, các chính phủ và các tổ chức bảo tồn cần có ngay những hành động phù hợp.
|
Nhiều loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng vào thế kỷ tới. (ảnh: LiveScience). |
Cuộc sống của nhiều loài động vật trên thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng, điều này không còn gì mới mẻ với nhiều người. Việc săn trộm và sự can thiệp không ngừng của con người vào môi trường tự nhiên đã dồn các loài vật như tê giác, voi, các loài động vật lớn thuộc họ mèo vào vùng lãnh thổ ngày càng nhỏ; và buộc các loài động vật hoang dã xung đột với chính dân số con người.
Liên minh Quốc tế về Bảo tồn tự nhiên đã dự báo, khoảng 59% các loài động vật ăn thịt lớn nhất trên thế giới (như hổ Bengal) và 60% các loài động vật ăn cỏ lớn nhất (như Tê giác trắng hay loài Gorilla) có thể biến mất khỏi Trái Đất khi bước sang thế kỷ tới.
"Có một rủi ro lớn là nhiều loài mang tính biểu tượng trên thế giới có thể sẽ không còn tồn tại cho đến thế kỷ 22," các nhà nghiên cứu đã viết trong báo cáo của họ.
Mối đe dọa tuyệt chủng đặc biệt nghiêm trọng ở tiểu vùng Sahara của châu Phi và Đông Nam Á, nơi mà rất nhiều loài sinh vật của thế giới đang cư trú. Những con thú mang tính biểu tượng có thể biến mất là voi, tê giác, sư tử. Điều này sẽ có tác động đáng kể đến các hệ sinh thái trên thế giới.
Tuy nhiên, tương lai khủng khiếp này có thể được ngăn chặn. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra 13 bước có thể được thực hiện để bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Trong số đó, có nhắc đến biện pháp kêu gọi các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ cần chung tay bảo vệ các nhóm động vật lớn, tìm cách tập trung vào bảo vệ các loài động vật có nguy cơ trong cộng đồng.
>>> Mời quý độc giả xem video về trăn anaconda (nguồn Youtube):