Đây có vẻ là một mục tiêu thực tế hơn so với kế hoạch định cư trên Sao Hỏa, nếu thành công, "Ngôi làng trên Mặt Trăng" sẽ thành một nơi ở dự phòng cho loài người.
Cuộc chạy đua lên không gian
Năm ngoái, ESA công bố kế hoạch xây dựng một nơi ở trên Mặt Trăng, được gọi là ‘Ngôi làng Mặt trăng’ (Moon Village). Ngôi làng là một bước nối tiếp Trạm Không gian Quốc tế (ISS) mà dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào năm 2024.
Làng Mặt Trăng là một phần trong mô hình không gian thế hệ 4.0 của Tổng Giám đốc ESA Johann-Dietrich Wörner, một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực vũ trụ khi thăm dò vũ trụ không còn là độc quyền của chính phủ mà mở cửa cho cả các tổ chức tư nhân.
Đầu tháng này, trong cuộc họp Hội đồng quản trị ESA tại Lucerne, Thụy Sĩ, ông Wörner nói rằng kế hoạch đã diễn ra theo đúng lộ trình, ‘thành công, nhuốm một chút thất vọng’.
Dự án Không gian thế hệ 4.0 thu hút được sự hợp tác của nhiều nước trên thế giới, ngoài 22 quốc gia thành viên của ESA còn có nhiều nước bên ngoài EU cùng hỗ trợ.
Sau nhiều vòng thảo luận sôi nổi (cũng như kiệt sức khi đàm phán về tài chính), đề xuất của ông Wörner về ‘Không gian thế hệ 4.0 cho một Không gian Thống nhất ở Châu Âu’ đã gây vốn được 10,3 tỷ Euro (khoảng 10, 77 tỷ USD).
|
Mô hình ý tưởng ngôi nhà trên Mặt trăng. |
‘Một chút thất vọng’ đến từ dự án Asteroid Impact Mission (tạm dịch Sứ mệnh ngăn va chạm các tiểu hành tinh) không gọi được nguồn tài chính hỗ trợ. Dự án này trực thuộc ESA, nghiên cứu các giải pháp làm chệch hướng các tiểu hành tinh có thể va vào Trái đất.
“Đó chính là những đặc tính thú vị nhất của ESA: táo bạo, sáng tạo và đầy tham vọng, tất cả cùng một lúc”, ông Wörner cho biết.
ESA không phải là cơ quan duy nhất hướng ánh mắt lên Mặt Trăng. Công ty kiến trúc Foster + Partners ở Anh đã thiết kế phiên bản riêng của họ về một nơi ở trên Mặt Trăng với một mái vòm cây xanh được nối liền với nhau có khả năng che chắn dân cư khỏi các bức xạ và những mảnh vỡ từ không gian.
Google Lunar XPRIZE cũng đã lập một đội quân của mình để tranh chấp ở Mặt Trăng. Ấn Độ, Nga, Nhật Bản cùng cơ quan hàng không của Trung Quốc cũng đang trong cuộc đua này.
Một nơi sống dự phòng cho muôn loài
Một số người cho rằng những quỹ tiền và nỗ lực dành cho việc thăm dò không gian là một sự lãng phí, đặc biệt chúng ta vẫn còn rất nhiều người chết đói trên Trái Đất.
Dù điều đó là sự thật, nhưng các nhà khoa học cho rằng nếu chúng ta không xây dựng những nơi sinh sống dự phòng ngoài Trái Đất, thì rất có thể toàn bộ nhân loại (và toàn bộ hành tinh) sẽ bị hủy diệt vào lúc nào đó, dù đó là do một tác động từ bên ngoài như một sao chổi, hay do một cuộc xung đột nội bộ như chiến tranh.
Một thuộc địa bên ngoài Trái Đất sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại của loài người, và là một nơi phòng bị cho muôn loài.