Mối liên kết độc đáo giữa hai loài săn mồi này là một ví dụ điển hình về sự tương tác sinh thái được gọi là thuyết tương hỗ - là một kiểu quan hệ cộng sinh giữa các cặp loài trong đó tất cả các loài động vật tham gia đều được hưởng lợi từ các mối quan hệ tương tác. Các mối quan hệ cộng sinh khác trong tự nhiên còn bao gồm cả những mối quan hệ mà trong đó chỉ một trong số các loài được hưởng lợi từ các mối quan hệ tương tác, trong khi loài còn lại bị tổn hại trong quá trình này. Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp mà chúng ta sẽ nói đến dưới đây.
Các nhiếp ảnh gia và thợ bẫy động vật hoang dã thường chụp ảnh và quay được video về những bộ đôi săn mồi đặc biệt này - một con sói đồng cỏ và một con lửng mật trong các khu rừng và công viên quốc gia trên khắp Hoa Kỳ vào mùa hè. Nhưng chính xác thì chúng đi săn cùng nhau như thế nào, và lợi ích của chúng từ việc này là gì?
Trên thực tế, cả hai loài động vật này đều là những kẻ săn mồi vô cùng hiệu quả, tuy nhiên chúng lại có chung con mồi, nhưng cách tiếp cận và kỹ năng săn mồi của hai loài này lại không hề giống nhau.
Trong khi sói đồng cỏ nhanh nhẹn và chủ yếu dựa vào việc săn đuổi con mồi trên khắp đồng cỏ, thì những con lửng mật lại là những "thợ đào đất" vô cùng giỏi, chúng thích săn con mồi bằng cách đào hang dưới mặt đất. Do đó, khi phải đối mặt với một trong hai kẻ săn mồi này, các loài động vật có vú nhỏ hơn sẽ sử dụng các chiến thuật khác nhau để thoát thân, tùy thuộc vào việc kẻ săn mồi là một con sói đồng cỏ hay một con lửng mật.
Và do đó, không phải cuộc đi săn nào của chúng đều thành công tốt đẹp. Mặc dù lửng mật có thể đào bới con mồi nhưng chúng rất chậm chạp khi ở môi trường bên ngoài. Mặt khác, sói đồng cỏ có thể bắt mồi trên mặt đất, nhưng con mồi lại ẩn náu dưới lòng đất, bởi vậy chúng chỉ có cách chờ đợi con mồi ra khỏi hang mới có thể săn đuổi chúng.
Tuy nhiên, khi lửng mật và chó sói đồng cỏ kết hợp các kỹ năng của bản thân và làm việc cùng nhau, chúng có thể săn được cầy thảo nguyên, sóc đất hay nhiều loài gặm nhấm khác với tỷ lệ thành công cao hơn rất nhiều so với việc săn mồi đơn độc. Theo đó đã có rất nhiều nghiên cứu về chủ đề này cho thấy rằng, khi hai loài này kết hợp với nhau, những lợi ích mà chúng thu được thường vượt trội hơn những rủi ro (một trong số chúng đơn phương chiếm con mồi) và những trường hợp hai kẻ săn mồi chia nhau con mồi đã được ghi nhận nhiều lần.
Nền tảng của mối quan hệ là việc bù trừ cho nhau: Trong khi lửng mật có cặp móng vuốt to khỏe có thể đào hang, lần vào tận ổ của con mồi thì con sói đồng cỏ có khả năng truy đuổi các mục tiêu trên mặt đất. Khi cùng nhau đi săn, lửng mật sẽ xác định cửa hang của các loài gặm nhấm để tấn công còn sói đồng cỏ sẽ canh giữ ở cửa hang khác không để con mồi chạy trốn.
Tuy nhiên, khi mùa đông đến, với sự xuất hiện của những tháng lạnh hơn, nhu cầu về việc hợp tác sẽ ngày càng trở nên ít quan trọng hơn đối với những con lửng mật. Vào mùa đông, việc săn mồi của lửng mật diễn ra hết sức đơn giản và dễ dàng, chúng chỉ cần đào hang của con mồi đang ngủ đông và tìm kiếm con mồi trong đó.
Theo Cục Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ (FWS), hai loài động vật này đã phát triển một mối quan hệ cởi mở. Sói đồng cỏ có thể săn con mồi nếu nó chạy trong khi lửng đào hang tìm con mồi nếu nó chui vào hệ thống hang dưới đất. Khi kết hợp với nhau, chúng di chuyển nhanh hơn và đào tốt hơn các loài chuột sống trong hang mà chúng thường săn. Vì vậy, mặc dù hầu hết các tương tác của chúng có vẻ thân thiện và đôi bên cùng có lợi, nhưng khi mùa đông bắt đầu, mối quan hệ này cũng dần lạnh nhạt và chúng sẽ tỏ ra như chưa từng quen biết nhau.