Đầu tháng 6, các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua thỏa thuận về dự luật bắt buộc toàn bộ smartphone bán ra tại thị trường này phải trang bị cổng kết nối USB-C để sạc pin có dây. Điều này đồng nghĩa với việc cổng Lightning trên iPhone sẽ biến mất tại châu Âu từ năm 2024.
Với quy định mới này của EU, Apple là công ty chịu tác động lớn nhất vì hãng vẫn kiên trì sử dụng cổng sạc Lightning độc quyền trong suốt nhiều năm qua, mặc kệ những hãng sản xuất điện thoại Android đã chuyển sang chuẩn USB-C từ lâu.
iPhone cũ mắc kẹt với cổng Lightning
Theo TechRadar, mặc dù chỉ áp dụng ở khu vực châu Âu nhưng quy định có thể buộc Apple phải thay đổi toàn bộ các thiết bị iPhone trên toàn cầu của mình. Người dùng có thể thấy cổng USB-C ngay từ iPhone 14 hoặc iPhone 15, trước hạn cuối là năm 2024.
Là cổng kết nối nhanh, tốc độ truyền dữ liệu tốt, USB-C sẽ là cải tiến đáng mong chờ trên những dòng iPhone sắp tới. Tuy nhiên, đi kèm với những ưu điểm, sự thay đổi này vẫn sẽ mang lại nhiều bất tiện cho người dùng đã gắn liền với hệ sinh thái của Apple.
Bên cạnh những mẫu điện thoại flagship được ra mắt hàng năm, những mẫu iPhone cũ hoặc iPhone giá rẻ như SE cũng sở hữu doanh số ấn tượng.
|
Những dòng iPhone cũ như iPhone 11 vẫn đang bán rất tốt. Ảnh: AP.
|
Theo dữ liệu của Consumer Intelligence Research Partners (CIRP), iPhone 11 2 năm tuổi, iPhone SE 2020 và iPhone XR 3 năm tuổi chiếm đến 15% doanh số bán hàng trong quý II/2022. Đây đều là những lựa chọn có mức giá phải chăng hơn cho người dùng có hầu bao eo hẹp.
Do đó, Apple luôn sản xuất những mẫu iPhone cũ song song với những dòng mới ra mắt.
Song, nếu khai tử cổng Lightning truyền thống, gã khổng lồ công nghệ sẽ không thể tiếp tục sản xuất hay bán những dòng điện thoại cũ không có USB-C tại thị trường châu Âu. Hãng buộc phải vận chuyển các lô hàng iPhone cổng Lightning sang Anh hoặc Mỹ.
Người dùng iPhone gặp khó
TechRadar nhận định quy định của EU khiến người dùng không thể mua iPhone đời cũ như iPhone 13 hay iPhone SE mà phải mua những dòng điện thoại mới nhất.
Đương nhiên, để tối ưu lợi nhuận, Apple có thể sản xuất iPhone có cổng USB-C và bán chúng độc quyền ở EU. Song, như Apple thường nhấn mạnh, việc bán một loạt các thiết bị không đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chuỗi cung ứng và tác động trực tiếp đến lợi nhuận. Do đó, kế hoạch gần như không xảy ra.
Mặt khác, dự luật mới của EU cũng có thể ảnh hưởng đến thiết bị thuộc hàng tân trang (refurbished) vì có quy định “những sản phẩm được sửa lại thành hàng mới cũng phải tuân thủ quy định chuẩn hóa cổng sạc mới được bán ra bên ngoài thị trường”.
Theo TechRadar, dự luật buộc các nhà sản xuất điện thoại chuyển sang dùng cổng USB-C đã tác động mạnh đến thị trường điện thoại nói riêng và lĩnh vực công nghệ nói chung.
Không thể phủ nhận rằng những thay đổi này sẽ giúp cắt giảm rác thải điện tử, giúp người dùng tiết kiệm tiền và giảm cạnh tranh độc quyền trên thị trường. Nhưng chúng vẫn sẽ có những hậu quả nhất định, đặc biệt là với iPhone đến từ Táo khuyết.
Trước đó, Apple đã nỗ lực chống lại những dự định của EU trong việc tiêu chuẩn hóa sạc USB-C. Trong phản hồi được đệ trình lên Ủy ban châu Âu vào năm 2021, công ty lập luận rằng các quy định mới có thể làm chậm các đổi mới có lợi, bao gồm cả những sáng chế liên quan đến an toàn và hiệu quả năng lượng.
Ngoài ra, Táo khuyết cho biết quy định mới có thể làm tăng lượng rác thải điện tử trong ngắn hạn vì người dùng sẽ phải vứt bỏ các loại cáp sạc và phụ kiện hiện có. Với ước tính khoảng 1 tỷ iPhone đang được sử dụng trên khắp thế giới vào đầu năm 2021, lượng phụ kiện cũ bị loại bỏ là rất lớn.
Theo Apple Insider, cổng Lightning xuất hiện lần đầu vào năm 2012 trên iPhone 5. Cổng này có thể cắm theo 2 chiều (lật lên hoặc úp xuống), khá phù hợp để sạc điện thoại nhưng lại có tốc độ truyền dữ liệu chậm.
Trước đây, Apple có thể hưởng lợi nhờ cổng cắm độc quyền với chương trình Made for iPhone (MFi). Các phụ kiện Lightning do bên thứ ba sản xuất phải đạt chuẩn MFi mới dùng được trên thiết bị của Táo khuyết.