Các nhà khảo cổ học đến từ Đại học Gothenburg đã tiến hành khai quật hai ngôi mộ ở thành phố Hala Sultan Tekke thời Đồ đồng ở Đảo Síp. Tại đây họ phát hiện 155 bộ hài cốt và hơn 500 món đồ tuyệt đẹp, bao gồm trang sức vàng, đá quý và đồ gốm sứ cổ.
Thực tế hai ngôi mộ được khai quật từ năm 2018. Chúng có dạng phòng chứa dưới lòng đất với số lượng lớn hài cốt. Việc xử lý đòi hỏi thao tác rất tỉ mỉ trong hơn 4 năm bởi các hài cốt cực kỳ mong manh sau hơn 3.000 năm bị chôn vùi trong lòng đất mặn. Hài cốt và đồ mai táng được xếp thành nhiều lớp chồng lên nhau chứng tỏ ngôi mộ được sử dụng qua nhiều thế hệ.
Qua phân tích, các chuyên gia tin rằng đây là ngôi mộ gia đình của tầng lớp thượng lưu, trong đó có những nhân vật đặc biệt tôn quý, ví dụ như một đứa trẻ 5 tuổi mang một chiếc vòng cổ, một đôi hoa tai và vương miện, tất cả đều bằng vàng ròng.
Ngoài các hài cốt, nhóm khảo cổ còn khai quật được nhiều trang sức và đồ vật khác chế tác từ vàng, bạc, đồng, ngà voi và đá quý, cùng với những chiếc bình trang trí công phu từ nhiều nền văn hóa. Không những tinh xảo và quý giá, chúng toàn là những món "hàng độc" được săn lùng từ khắp nơi trên thế giới, ví dụ một chiếc bình uống rượu hình con bò đực.
Một phát hiện đặc biệt quan trọng là các con dấu hình trụ làm từ khoáng chất hematite với những cổ tự Lưỡng Hà (Iraq ngày nay), một số viên đá quý đỏ carnelian từ Ấn Độ, đá quý xanh Iapis Iazuli từ Afganistan, hổ phách từ vùng Baltic.
Theo Giáo sư Peter Fischer từ Đại học Gothenburg, người đứng đầu dự án, các bảo vật đến từ những nơi xa xôi, như vượt thời gian và không gian, hội tụ tại hòn đảo này chứng tỏ một điều, đây phải là trung tâm của những tuyến đường biển thương mại thời đại Đồ đồng. Như vậy, kho báu cũng là bằng chứng cho hoạt động giao thương phát triển ở mức khó tin của người dân nơi đây,
Bằng cách so sánh với những phát hiện tương tự từ Ai Cập, Giáo sư Fischer và cộng sự có thể xác định niên đại của đồ trang sức. Kết quả cho thấy phần lớn đồ vật ra đời dưới thời trị vì của nữ hoàng huyền thoại Nefertiti và chồng bà là Echnaton, vào khoảng năm 1350 trước Công nguyên. Trong đó có những món trang sức được chế tác y hệt những món vị nữ hoàng này đeo như mặt dây chuyền vàng hình sen xanh Ai Cập, khảm đá quý.
Các nhà khảo cổ cho biết họ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, bước tiếp theo sẽ là nghiên cứu DNA của các hài cốt.