Hai thợ lặn Ronald Raasch, Nils Baadness và Brynjar Aarnseth đã bất ngờ đối mặt với một khối cầu nổi khổng lồ khi đang lặn dưới biển.
Khối cầu lơ lửng ở độ sâu 17 mét dưới mặt biển và gần như trong suốt. Các thợ lặn đã bật đèn pin của họ lên và nhận ra trong khối cầu chứa hàng trăm ngàn động vật nhỏ.
“Lúc đầu, chúng tôi tưởng rằng đó là một con sứa khổng lồ, nhưng đến gần hơn một chút, chúng tôi mới nhận ra nó không hề giống bất kỳ thứ gì mình từng chứng kiến trước đây,” Baadness cho hay, "Thật tuyệt vời."
Cả Aarnseth và Baadness sau đó nhận ra đây có vẻ là một túi trứng của loài mực đuôi ngắn - thứ mà trước kia cả hai chỉ thấy trên phim ảnh, sách báo. Đây là lần đầu tiên hai người được chứng kiến một túi trứng như vậy ở ngoài đời.
Ronald Raasch, thành viên của nhóm nghiên cứu dưới biển REV Ocean, đã quay lại khoảnh khắc thú vị trên và đăng lên YouTube.
Nhóm REV Ocean đã nghiên cứu các túi trứng bí ẩn này và đã thu thập được bốn mẫu từ vùng biển Na Uy trong năm nay.
Halldis Ringvold, một nhà nghiên cứu của Dự án Sea Snack Norway’s Gelatinous Sphere cho biết: "Túi trứng từ video, dù chưa được xét nghiệm di truyền, nhưng có vẻ ngoài giống như những túi trứng mực khác từng được thử nghiệm."
Mực đuôi ngắn, hay còn gọi là mực ống ngắn phía nam, được tìm thấy phổ biến ở Bắc Đại Tây Dương và biển Địa Trung Hải. Dù chỉ dài từ 20 đến 40 cm (không tính phần xúc tu), chúng vẫn có khả năng đẻ ra những bọc trứng khổng lồ với đường kính lên tới gần 1 mét.
|
Mực đuôi ngắn chỉ dài từ 20 đến 40cm, nhưng lại có thể để được những túi trứng có đường kính lên tới gần 1 mét |
Khoảnh khắc hiếm có này không chỉ là một phát hiện tuyệt vời cho khoa học, mà còn là một trải nghiệm mà hai thợ lặn sẽ không bao giờ quên.
“Chúng tôi đã rất may mắn khi được đến đúng nơi, đúng thời điểm,” Baadness chia sẻ, "Chúng tôi khó có thể trải qua điều này thêm một lần nào nữa.”