Tin tức nóng hổi về người ngoài hành tinh
Tờ New York Post (Mỹ) mới đây cho biết, vị Giáo sư người Anh Simon Holland - một nhà làm phim khoa học của NASA (Mỹ) - vừa cung cấp một tin tức nóng hổi, có thể gây chấn động thế giới, khiến lịch sử loài người phải viết một chương mới trong hành trình kiếm tìm nền văn minh ngoài Trái đất.
Cụ thể, Giáo sư Simon Holland, người từng làm việc cho các dự án của BBC, National Geographic và NASA, đã tiết lộ chút ít thông tin với tờ The Mirror (Anh) rằng, hệ thống kính thiên văn trên Trái đất đã phát hiện bằng chứng về sự sống thông minh của người ngoài hành tinh.
|
Giáo sư người Anh Simon Holland - một nhà làm phim khoa học của NASA (Mỹ). Ảnh: Youtube. |
Đặc biệt, liên quan đến thông tin có khả năng khiến thế giới bùng nổ này là hiện có 2 nhóm thiên văn học cạnh tranh nhau đang chạy đua để công bố bằng chứng đầu tiên được xác nhận về một nền văn minh ngoài hành tinh và thông báo này có thể sẽ được đưa ra trong tháng tới.
"Chúng tôi đã tìm thấy một nền văn minh ngoài Trái Đất trong thiên hà của chúng ta (Dải Ngân Hà), và con người chưa từng biết về điều đó. Bằng cách sử dụng Kính viễn vọng Parkes ở Australia, chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng ban đầu về dấu hiệu công nghệ phi con người" - Giáo sư Simon Holland úp mở.
Nhà làm phim người Anh khẳng định một người liên lạc trong chương trình Breakthrough Listen của tỉ phú Mark Zuckerbeg (ông chủ của Facebook) đã chia sẻ thông tin này với ông. Breakthrough Listen là một chương trình nghiên cứu khoa học do tư nhân tài trợ nhằm tìm kiếm bằng chứng về các nền văn minh ngoài Trái đất.
Tin tức này hiện đang khiến báo chí, truyền thông và người yêu thiên văn quốc tế "dậy sóng". Bởi gần trăm năm qua, loài người vẫn miệt mài với hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi lớn: "Liệu loài người có cô đơn trong vũ trụ?"
Nói thêm về 2 nhóm thiên văn đang chạy đua để đưa ra bằng chứng thuyết phục nhất về người ngoài hành tinh, ông Simon Holland tiết lộ đó là các nhà thiên văn học tại Oxford của Anh và các nhà khoa học thuộc Chương trình FAST của Trung Quốc.
Nắm 'át chủ bài' trong tay, Trung Quốc sẽ vượt mặt Anh?
Giới thiên văn quốc tế nhận định, tuyên bố mang tính đột phá này của giáo sư Anh đòi hỏi phải có bằng chứng thực sự thuyết phục và các nhà thiên văn học Anh cũng như Trung Quốc đang chạy đua để thu thập thêm nhiều dữ kiện, chứng minh sự tồn tại của người ngoài hành tinh là có thật.
Với "Thiên Nhãn" FAST (Kính viễn vọng hình cầu khẩu độ 500 mét) - kính viễn vọng hiện đang giữ kỷ lục là kính viễn vọng vô tuyến đĩa đơn lớn nhất thế giới - thì Trung Quốc có khả năng sẽ vượt mặt Anh.
Người Trung Quốc được cho là biết tọa độ của vật thể mục tiêu, được gọi là BLC-1, và đang cạnh tranh với dự án thiên văn tại Oxford để trở thành nước đầu tiên công bố bằng chứng về người ngoài hành tinh xác thực nhất vào tháng 11/2024.
Giáo sư Holland tiết lộ chi tiết đắt giá nhất về BLC-1: Đó là, vào tháng 4/2019, Kính viễn vọng Parkes (tại Australia) đã bắt được tín hiệu vô tuyến từ BLC-1 ở tần số 982 MHz.
|
Kính viễn vọng Parkes tại Australia 'có công' phát hiện tín hiệu đắt giá từ BLC-1. Nguồn: Getty Images. |
Tín hiệu này xuất hiện từ khu vực xung quanh Proxima Centauri, một ngôi sao cách Trái Đất chỉ 4,2 năm ánh sáng.
Đáng chú ý, tín hiệu từ BLC-1 được coi là quan trọng do nguồn gốc từ một nguồn duy nhất, tần số điện từ băng hẹp (982 MHz) và có độ dịch chuyển Doppler. Tất cả điều này cho thấy có một hành tinh đang quay.
Ông Holland tin rằng tín hiệu này không có khả năng là sự can thiệp của con người, vì đặc điểm của nó không phù hợp với các hiện tượng tự nhiên đã biết trên thế giới.
|
Hình ảnh mô tả bề mặt hành tinh Proxima B với ngôi sao lùn đỏ Proxima Centauri và Alpha Centauri AB trên bầu trời. Nguồn: AP. |
|
Hình ảnh minh họa về Proxima B, một hành tinh quay quanh ngôi sao lùn đỏ Proxima Centauri, ngôi sao gần Hệ Mặt trời nhất của chúng ta. Nguồn: REUTERS. |
Từ phát hiện của Kính viễn vọng Parkes, Trung Quốc và Anh đang đua nhau tìm kiếm bằng chứng xác thực hơn về "dấu vết công nghệ ngoài hành tinh" của người ngoài Trái đất. Phía Anh xác nhận họ đang phân tích tín hiệu nhưng không tiết lộ nguồn gốc có thể xảy ra. Trung Quốc cũng không bàn luận thêm về công việc của họ.
Kết quả có thể sẽ ngã ngũ vào tháng 11 tới đây
Tin tức này hiện đang thu hút đông đảo quan tâm của dư luận quốc tế. Bởi công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất đã diễn ra từ giữa thế kỷ 20, khi các nhà khoa học sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để phát hiện dấu hiệu của sự sống, bao gồm phân tích dữ liệu kính thiên văn và liên lạc vô tuyến. Đó là ở mặt đất.
Còn ở phạm vi không gian, NASA của Mỹ vừa phóng tàu Europa Clipper với nhiệm vụ săn tìm dấu hiệu của sự sống ngoài hành tinh trên một trong những mặt trăng băng giá của Sao Mộc - mặt trăng Europa. Phải đến năm 2030, tàu này mới tới nơi nhưng những gì tàu tìm thấy có thể thay đổi hiểu biết của chúng ta về sự sống trong Hệ Mặt trời, BBC thông tin ngày 15/10/2024.