|
Gián là loài côn trùng bị nhiều người ghét bỏ - Ảnh: Minh họa |
Nhà sinh lý học và hoá sinh học Joseph Kunkel, từ Đại học Amherst, Massachusetts (Mỹ), đã nghiên cứu sự phát triển của gián để tìm ra nguyên nhân sống sót của gián khi mất đầu và tìm hiểu tại sao con người không thể làm điều đó.
Con người cũng như đa phần các loài động vật khi mất đầu sẽ gây ra hiện tượng mất máu và huyết áp giảm đến mức không thể vận chuyển ôxy và chất dinh dưỡng tới các mô trong cơ thể. "Người ta mất máu mà chết", Kunkel bình luận.
Ngoài ra, con người thở bằng miệng hoặc mũi và não kiểm soát các chức năng sống còn này, vì thế khi mất đầu, việc thở cũng ngừng luôn. Chưa kể khi không có đầu thì con người không thể nạp thức ăn vào cơ thể dẫn đến chết đói là chắc chắn.
Tuy nhiên, loài gián thì không như thế, chúng không có huyết áp theo cách của con người. "Chúng chẳng có mạng lưới mạch máu rộng khắp như của chúng ta - nghĩa là các mạch tí hon cần áp suất lớn để máu có thể lưu thông. Chúng có một hệ tuần hoàn mở, với áp suất thấp hơn nhiều".
"Nếu bạn cắt đầu chúng, cái cổ sẽ được liền lại bằng máu cục. Không hề có sự kiểm soát chảy máu ở đây", Kunkel nói.
Sinh vật này cũng lấy khí trời bằng các lỗ thở, nằm trên các đốt cơ thể. Ngoài ra, não của gián không kiểm soát quá trình thở này và máu không cần mang ôxy đi nuôi các nội tạng. Thay vào đó, các lỗ thở hút không khí trực tiếp vào các mô thông qua một loạt ống nhỏ gọi là khí quản.
Bên cạnh đó, gián là một loài sinh vật máu lạnh, nghĩa là chúng cần ít máu hơn nhiều so với hoạt động sống của con người. "Một con côn trùng có thể sống sót trong hằng tuần với một bữa ăn mà chúng có", Kunkel nói.
Nhà côn trùng học Christopher Tipping tại Đại học Delaware Valley ở Doylestown đã thí nghiệm cắt đầu hai con gián châu Mỹ, "rất cẩn thận dưới kính hiển vi", và làm lành vết thương bằng sáp, ngăn cho chúng khỏi chết vì mất dịch. Kết quả là hai con vật kéo dài tuổi thọ thêm vài tuần trong một cái bình. "Chúng đứng vững, sờ vào nhau và di chuyển".
Không chỉ cơ thể của chúng sống sót mà không cần đầu, bản thân cái đầu gián cũng sống sót, vẫy râu vài giờ trước khi mất hết nước. Nếu được tiếp dinh dưỡng và làm lạnh, nó có thể sống lâu hơn.
Các chuyên gia cũng tiết lộ thêm, loài gián có cơ thể khá kềnh càng, được kết hợp từ ba phần gồm đầu, ngực và bụng. Nâng đỡ cơ thể nặng nề đó là ba cặp chân nhỏ có lông, ngoài nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể còn giúp gián cảm nhận môi trường xung quanh, theo Dengarden.
Các cặp chân này khá linh hoạt, cho phép gián luồn lách ở những khe kẽ rất hẹp để kiếm ăn và lẩn trốn. Tuy nhiên, khi gián chết, nó mất khả năng kiểm soát cơ, gây ra tình trạng co rút ở cơ chân. Các chân bị co rút gập vào, khiến cơ thể gián mất trọng tâm và ngã ngửa dưới sức nặng của bụng.
Vẫn có trường hợp gián chết không nằm ngửa, giơ chân lên trời mà nằm úp sấp, tuy nhiên chết theo tư thế nằm ngửa là thuộc tính cố hữu của loài gián.