Trí thông minh bẩm sinh của một đứa trẻ sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc xác định những thành công của nó trong tương lai? Theo nhà kinh tế James Heckman, câu trả lời có thể khiến một số người thất vọng. Ông có sở thích hỏi những người có học vấn cao – đặc biệt là các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách – rằng chỉ số thông minh IQ có liên quan đến sự chênh lệch về thu nhập của mỗi người như thế nào? Ông nói, phần lớn các phỏng đoán đều trong khoảng từ 25 đến 50 phần trăm, tức là chỉ số IQ của bạn đã khiến bạn đi được nửa đường để đến với sự giàu sang. Tuy nhiên, những dữ liệu thu được lại cho thấy ảnh hưởng của nó nhỏ hơn nhiều: chỉ từ 1 đến 2 phần trăm.
Vậy nếu IQ chỉ là một yếu tố nhỏ để dẫn đến thành công, vậy thì đâu mới là sự khác biệt giữa những người có thu nhập cao và những người "không cao bằng"? Hay nói cách khác: Tại sao bạn thông minh nhưng vẫn… nghèo?
Theo Bloomberg, khoa học chưa có lời giải đáp xác đáng, mặc dù may mắn cũng đóng một vai trò không nhỏ. Nhưng theo một bài báo mà Heckman là đồng tác giả được đăng trên Kỉ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ vào tháng trước, nhân cách chính là yếu tố quan trọng nhất. Ông thấy rằng những người thành công đều có sự tận tâm, một đặc điểm tính cách được cấu thành từ sự siêng năng, kiên trì và kỷ luật.
Để đi đến kết luận đó, ông và các đồng nghiệp của mình đã nghiên cứu dựa trên bốn yếu tố: chỉ số IQ, kết quả của các bài kiểm tra tiêu chuẩn riêng, điểm số học tập và đánh giá nhân phẩm của hàng nghìn người thuộc các nước Anh, Mỹ và Hà Lan. Những yếu tố ấy đã được theo dõi từ hàng thập kỉ, thu thập những thông tin không chỉ về thu nhập cá nhân mà còn có hồ sơ tiền án, tiền sự, chỉ số BMI (Body Mass Index) và những bản tự báo cáo về sự hài lòng của cuộc sống hiện tại.
|
Tận tâm chính là chìa khóa để đi đến thành công. (ảnh: Licdn). |
Nghiên cứu cho thấy rằng điểm số và kết quả của các bài kiểm tra theo tiêu chuẩn riêng là yếu tố để dự đoán thành công của mỗi người tốt hơn so với điểm IQ đơn thuần. Điều đó có thể làm bạn cảm thấy hoang mang – chẳng phải chúng đều giống nhau hay sao? Không hoàn toàn là như vậy. Điểm số không chỉ phản ánh trí thông minh mà còn thể hiện những phẩm chất mà Heckman gọi là "kỹ năng nhận thức", bao gồm tính kiên trì, thói quen học tập tốt và khả năng làm việc nhóm – hay nói cách khác là sự tận tâm trong công việc.
Ông Heckman, người đã từng chia sẻ giải Nobel Kinh tế năm 2000 cùng với Daniel McFadden với những đóng góp trong kinh tế lượng và kinh tế học vĩ mô. Ông cũng được coi là 1 trong 10 nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất thế giới. Là nhà sáng lập Trung tâm Kinh tế Phát triển Con người của Đại học Chicago, ông tin rằng thành công của mỗi người không chỉ dựa vào những tài năng bẩm sinh mà còn cả những kĩ năng học được trong cuộc sống. Nghiên cứu của ông cho thấy khi trẻ còn nhỏ là lúc dễ uốn nắn nhất, và phát triển những kĩ năng về tâm hồn sẽ dễ dàng hơn (và hiệu quả hơn) so với tập trung phát triển IQ hơn rất nhiều. Tính trung thực cũng có mối liên hệ với các kết quả kiểm tra và điểm số.
|
Ông James Heckman không phủ nhận tầm quan trọng của IQ, nhưng cũng không cho rằng đó là yếu tố quyết định. (ảnh: USC News). |
Dĩ nhiên IQ cũng có vai trò riêng. Một người có chỉ số IQ 70 chưa chắc đã làm được những điều mà người có chỉ số IQ 190 cho là dễ dàng. Nhưng ông Heckman cho rằng nhiều người thất bại trong việc có được một chỗ đứng trong thị trường lao động bởi vì họ thiếu các kĩ năng mà không dựa trên các bài kiểm tra trí thông minh. Họ không hiểu cách cư xử sao cho đúng mực khi phỏng vấn. Họ có thể đến muộn hoặc mặc trang phục không phù hợp. Hoặc khi làm việc, họ thể hiện rằng mình sẽ chỉ làm công việc tối thiểu nếu có thể.
Ông John Eric Humphries, đồng tác giả của bài báo với ông James Heckman, nói rằng ông hi vọng những thành quả của mình có thể giúp làm sáng tỏ những điều phức tạp và thường bị mọi người hiểu nhầm về khả năng của mỗi người. Ngay cả trong các bài kiểm tra IQ, được thiết kế để đánh giá khả năng giải quyết vấn đề dường như đo nhiều thứ hơn là chỉ mỗi trí thông minh. Trong một nghiên cứu năm 2011, Angela Duckworth, nhà tâm lý học của Đại học Pennsylvania cho thấy rằng chỉ số IQ cũng phản ánh mục tiêu và nỗ lực của người kiểm tra. Những đứa trẻ cẩn thận, chăm chỉ sẽ cố gắng để giải quyết những câu hỏi hóc búa hơn là những đứa trẻ có trí thông minh tương đồng nhưng lười biếng hơn.
Phát triển nhân cách của trẻ trong môi trường học đường chắc chắn không phải là điều dễ dàng. Có những khía cạnh mà nhiều hơn chưa chắc đã tốt hơn. Có thể việc trẻ càng có chỉ số IQ và tính tận tâm cao thì càng tốt, nhưng với các tính trạng khác, các nhà nghiên cứu cho rằng chỉ nên ở mức vừa đủ. Ví dụ, bạn sẽ không muốn trẻ sống nội tâm đến nỗi không biết cách giao tiếp, hay quá hướng ngoại và năng động nên không biết lúc nào phải trật tự lắng nghe.
Vậy thì điều này có liên quan gì đến nền kinh tế? Ông Heckman nói: "Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là nâng cao phúc lợi cho con người, và yếu tố quyết định để làm được điều đó chính là các kĩ năng".
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Human Behavior trong tháng này đã tập trung vào sự đối lập của thành công: thất bại. Sau khi theo dõi 1000 người New Zealand trong hơn 30 năm, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng các bài kiểm tra về ngôn ngữ, hành vi và khả năng nhận thức được thực hiện khi trẻ mới ba tuổi có thể dự đoán người nào sẽ có cuộc sống khó khăn, trở thành tội phạm hay mắc các bệnh kinh niên.
Tác giả chính của bài báo đó, Terrie Moffitt, nhà tâm lý học của Đại học Duke nói rằng bà hi vọng kết quả của nghiên cứu sẽ góp phần thúc đẩy lòng từ bi và đồng cảm, chứ không phải kì thị. Kết quả của bà cũng cho rằng việc giúp người khác nâng cao những kĩ năng nhất định sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.