Những hình ảnh về đoàn người leo núi xếp hàng dài uốn quanh trên đường leo lên đỉnh Everest cao 8.848 m khiến nhiều người "sởn gai ốc".
Vách núi dựng đứng, sắc nhọn, còn phủ một lớp tuyết dễ trơn trượt và đặc biệt là "không có đường lui". Hàng trăm nhà leo núi chấp nhận đối mặt với nguy cơ bị tê cóng và say độ cao để mang về thành tích chinh phục "nóc nhà thế giới".
Đoàn người cận kề "lưỡi hái tử thần"
Bức ảnh được đăng lên Twitter hôm 23/5 bởi nhà leo núi Nirma Purja, cựu quân nhân Nepal từng phục vụ thủy quân lục chiến Anh, khiến nhiều người chú ý.
Ông Purja là người may mắn leo tới đỉnh trong "dòng người tắc nghẽn". Theo ước tính của ông, có khoảng 320 nhà leo núi khác xếp hàng "trật tự" trên vách núi đóng băng, chờ đợi được lên đỉnh Everest. Tweet của ông Purja đã được hàng nghìn người thích và hàng trăm tài khoản chia sẻ.
|
Hàng trăm người leo núi bị ùn tắc ở gần đỉnh núi Everest ngày 22/5. Ảnh: Project Possible. |
"Đoàn người thật điên rồ. Họ sẽ mất bao lâu để lên được đến đỉnh?", một tài khoản để lại bình luận hỏi.
"Dòng người lưu thông thật kinh khủng. Rất nguy hiểm. Xin chúc mừng!", một người khác bình luận mỉa mai.
Đa phần người xem tỏ thái độ lo ngại rằng đoàn người leo núi quá đông có thể dẫn đến thương tích và tử vong, ngoài ra còn những nguy hiểm tiềm ẩn dễ xảy đến khi leo lên đỉnh Everest. Những cái chết của người leo núi thời gian gần đây đã gióng lên "hồi chuông cảnh báo".
Nhiều cái chết thương tâm
AFP cho biết một người Mỹ và một người Ấn Độ đã thiệt mạng trong và sau khi chinh phục đỉnh Everest. Donald Lynn Cash, 55 tuổi và là người Mỹ, đột quỵ tại đỉnh núi vào ngày 22/5 khi đang chụp ảnh. Trong khi đó, Anjali Kulkarni, cũng 55 tuổi, đã chết trong khi xuống núi, sau khi đã leo được lên đỉnh.
Công ty Arun Treks, đơn vị tổ chức chuyến leo núi của bà Kulkarni, cho biết lượng người leo núi quá đông trên núi đã khiến bà không kịp xuống núi và tử vong.
“Chị ấy phải chờ một thời gian dài leo lên đỉnh và xuống núi”, Thupden Sherpa từ công ty Arun Treks nói. “Cuối cùng chị không thể tự mình đi xuống và qua đời khi hướng dẫn viên đưa chị xuống".
Còn trường hợp của công dân Mỹ Donald Lynn Cash, công ty Pioneer Adventure cho biết người này đã "ngã quỵ ở đỉnh núi". Báo Kathmandu Post tiết lộ người đàn ông này tử vong vì bệnh sợ độ cao và phải chờ lên núi quá lâu.
Ông Cash đã bỏ lại vợ, 4 người con, và công việc giám đốc kinh doanh trên đường chinh phục giấc mơ đỉnh Everest. Trước khi lên đến đỉnh Everest, ông đã nhắn tin cho con trai Tanner nói rằng "ông cảm thấy rất may mắn khi được ở trên ngọn núi mà ông ấy đã đọc về nó trong suốt 40 năm qua", theo Guardian.
Ngoài bà Kulkarni và ông Cash, 4 người khác đã tử vong trên "nóc nhà thế giới" trong mùa này. Trong đó, một nhà leo núi Ấn Độ đã thiệt mạng tuần trước và một người khác từ Ireland được cho là đã chết sau khi trượt chân ngã gần đỉnh núi.
Đường chinh phục ước mơ lạnh -25 độ C
Bức ảnh của cựu binh thủy quân lục chiến Nirma Purja đăng tải đúng thời điểm liên tiếp xảy ra các sự việc thương tâm trên dãy Himalaya khơi gợi sự chú ý của nhiều người.
Theo Daily Telegraph, ngày càng có nhiều nhà leo núi mạo hiểm đổ về chinh phục đỉnh Everest để đạt thành tích cá nhân - leo lên điểm cao nhất trên bề mặt Trái Đất, mặc dù điều kiện thời tiết vẫn vô cùng khắc nghiệt.
Ngày ông Purja lên tới đỉnh, nhiệt độ được ghi nhận ở mức -25 độ C. Tuy nhiên, các nhà leo núi cho rằng đây là điều kiện thuận lợi để tận dụng.
Đỉnh núi cao nhất thế giới không thoát khỏi sự bừa bãi của con người. Một nhóm tình nguyện viên tận tâm đã lên đây để thực hiện chiến dịch thu gom rác thuộc loại khó khăn nhất thế giới. Ảnh: Mount Everest Biogas Project.
Trong chiến dịch dọn rác kéo dài 45 ngày, bắt đầu từ ngày 14/4, ước tính 11 tấn rác của những người leo núi sẽ được đưa ra khỏi núi.
Theo ABC, 5.200 người đã leo lên đỉnh Everest và 775 người khác đang lên kế hoạch chinh phục nó trong năm nay.
Trong hành trình gian nan, những nhà leo núi thường vứt bớt đồ đạc của họ, bao gồm các vật dụng cồng kềnh như lều và dụng cụ leo núi. Nhiều người đã không sống sót trở về sau hành trình khó khăn và nguy hiểm như vậy.
"Nóc nhà thế giới" đã cướp đi sinh mạng của khoảng 300 nhà leo núi kể từ lần đầu tiên có người leo thử vào năm 1921. Theo các báo cáo đầu năm nay, thi thể của hai phần ba trong số những người này vẫn bị chôn vùi trên đường leo lên ngọn núi băng giá.
Nepal đã thu về lợi nhuận khổng lồ cho hoạt động leo núi từ khi Edmund Hillary và Tenzing Norgay trở thành những người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest năm 1953.
Tính riêng trong mùa xuân năm nay, Nepal đã cấp 381 giấy phép leo núi, mỗi giấy phép có giá 11.000 USD. Con số kỷ lục đang làm dấy lên nỗi lo sợ về sự quá tải trên đỉnh núi, nhất là khi thời tiết xấu làm giảm số ngày có thể leo núi trong năm.