Những hình ảnh mới được công bố của Cục Ngư nghiệp bang Sabah, Malaysia cho thấy xác một con cá nhám voi bị đánh dạt lên bờ biển Tanjung Aru đã thể hiện rất rõ tác hại của túi nilon đối với sinh vật biển.
Theo đó, con cá nhám voi được tìm thấy đã chết đói sau khi nuốt phải một lượng lớn túi nilon. Đáng buồn hơn, đây chỉ phần nổi của tảng băng chìm khi nói tới việc động vật biển nuốt phải túi nhựa do con người thải ra.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy rùa biển, đặc biệt là những con non, có nguy cơ tử vong do nuốt phải túi nilon nhiều hơn những con trưởng thành. Lý do là chúng thường nuốt bất cứ thứ gì trôi trong dòng nước, bao gồm cả túi nhựa.
UNESCO từng tuyên bố rằng túi nilon là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cái chết của hơn 1 triệu con chim biển và 100.000 sinh vật hải dương mỗi năm.
Càng tồi tệ hơn, theo báo cáo của Greenpeace Malaysia, quốc đảo này đã nhập khẩu 750.000 tấn nhựa dẻo từ tháng 1 tới tháng 7 năm 2018 nhưng chỉ tái chế được 9% trong số đó. Trên hết, Malaysia còn bị xếp hạng là một trong những quốc gia phát thải nhiều nhựa dẻo nhất trên thế giới.
Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu Malaysia và quốc gia ven biển có thể bảo vệ được đại dương và các sinh vật sống dưới biển trong tương lai hay không. Ở thời điểm hiện tại, tất cả chỉ có thể phụ thuộc vào ý thức người dân trong việc hạn chế sử dụng túi nilon hằng ngày.