Mới đây ông Travis Kalanick, Tổng giám đốc của Uber tự nhận mình là “Steve Jobs thứ 2” giải cứu Uber khiến nhiều người tò mò về quá khứ thăng trầm của cố CEO Steve Jobs.
|
Cố CEO Steve Jobs với câu nói bất hủ: "Stay Hungry, stay foolish" (tạm dịch: "Hãy luôn sống khao khát, hãy luôn sống dại khờ”) |
Trong một báo cáo mới đây của Recode, ông Travis Kalanick, người vừa từ chức CEO Uber trước sức ép của cổ đông – tuyên bố mình muốn quay trở lại và cứu Uber, tương tự Steve Jobs đã làm với Apple sau khi bị sa thải.
Trên thực tế, quá khứ thăng trầm của Steve Jobs đã là một phần vô cùng quan trọng trong lịch sử của Apple.
Sau khi bị đuổi khỏi chính công ty mình đồng sáng lập là Apple, Jobs đã thành lập một công ty mới của riêng ông. Điều thú vị là Startup này được chính Apple mua lại, cũng như họ đang cần một người lãnh đạo cho vị trí đó. Không lâu sau, Jobs trở thành CEO tạm thời rồi CEO chính thức và đưa Apple từ bờ vực phá sản thành công ty có giá trị bậc nhất thế giới.
Câu chuyện Apple từng sa thải Steve Jobs còn rất nhiều điều ly kỳ chưa được tiết lộ. Chúng tôi xin tóm lược những dấu mốc lịch sử không thể quên về người sáng lập Apple, người mang iPhone - chiếc smartphone thay đổi lịch sử ngành công nghiệp di động.
Apple được thành lập vào năm 1976 bởi Steve Jobs và Steve Wozniak. Jobs lúc nào cũng căng đầy các ý tưởng và phụ trách kinh doanh, còn Wozniak là chuyên gia kỹ thuật. Tuy nhiên, cả hai thanh niên này chưa từng có bất kỳ kinh nghiệm điều hành công ty nào.
Nhưng Mike Markkula, một trong những nhà đầu tư và cũng là nhân viên đầu tiên của Apple, đã không nghĩ rằng Wozniak hay Jobs có tính kỷ luật trong công việc. Sau đó, Markkula đã mời bạn của mình là Michael Scott, một người điều hành dày dạn kinh nghiệm, lên làm CEO đầu tiên của Apple. Đến năm 1981, Scott rời Apple sau IPO (Initial Public Offering) lần chào bán chứng khoán đầu tiên của công ty, chính Markkula là người lên thay vị trí của ông.
Năm 1983, Jobs đích thân tuyển John Sculley, CEO Pepsi, bằng câu nói kinh điển: “Anh muốn bán nước ngọt suốt đời hay muốn đi cùng tôi và thay đổi thế giới”. Khi ấy, Jobs cũng muốn trở thành CEO song ban quản trị Apple cho rằng ông chưa sẵn sàng.
Vấn đề nằm ở chỗ Steve Jobs có tiếng là người khó cộng tác. Ông ám ảnh đến các chi tiết, và thường không nghĩ đến cả giác của những người trong nhóm.
Thành quả nổi bật đầu tiên vào năm 1985. Dưới sự hướng dẫn của Jobs, Apple đã trình làng chiếc máy tính đầu tiên là Lisa có giao diện đồ họa (GUI). Mặc dù rất thành công về kỹ thuật, nhưng nó lại thất bại thảm hại về doanh thu. Dự án tiếp theo, Macintosh, bán tốt hơn - nhưng chưa thể tạo ra bước ngoặt đáng kể trước công ty số một về máy tính bấy giờ là IBM.
Tuy nhiên, Sculley lại quyết định điều chuyển Jobs tránh xa khỏi nhóm sản phẩm Macintosh, về cơ bản kìm hãm ông và sức ảnh hưởng của ông tới Apple. Đáp lại, Jobs đã đối đầu trực tiếp với ban giám đốc công ty, những người đứng về phía Sculley.
Đây là lúc câu chuyện được kể theo 2 hướng khác nhau: Sau vụ việc, Jobs công khai tuyên bố bị Apple đuổi; trong khi Sculley nói Jobs tự nguyện rời công ty sau khi gặp những thách thức về giá của Macintosh.
Jobs tiếp tục thành lập công ty mới là NeXT, hy vọng của ông vẫn là tạo ra cuộc cách mạng đối với máy PC. Tuy nhiên, thời điểm đó máy móc kỹ thuật vẫn còn khá đắt đỏ và doanh số bán hàng khá chậm.
Trong khi đó, tại Apple, Sculley đã bắt đầu thời kỳ hậu Steve Jobs. Đến năm 1991, Apple giới thiệu hệ điều hành System 7, lần đầu tiên mang màu sắc đến cho máy Mac. Ngoài ra, Apple cũng ra mắt máy tính xách tay PowerBook.
Mặc dù vậy, Apple thời điểm này có những dấu hiệu mất tập trung. Dười thời Sculley, Apple phải đón nhận nhiều thất bại như trợ lý cá nhân Newton MessagePad, một thiết bị nhận diện chữ viết tay đi trước thời đại nhưng không hiệu quả.
Sai lầm lớn nhất của Sculley chính là đặt cược tương lai Apple vào một loại bộ vi xử lý mới có tên PowerPC. Nó khiến công ty chuyển hướng thiết kế sang chuẩn mới và giữ giá Mac đắt đỏ. Trong khi đó, chip Intel x86 phổ biến hơn nhiều và cũng ngày càng rẻ. Nó giống như thòng lọng quấn quanh cổ Apple. Sau khi trượt mục tiêu doanh số, Sculley bị đặt trong tình trạng báo động.
Không lâu sau, Sculley đã bị thay thế bởi một nhân viên lâu năm của Apple là Michael Spindler. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của Spindler cũng chỉ kéo dài 3 năm, Hội đồng quản trị của Apple quyết định sa thải ông này sau khi những thương vụ đàm phán mua lại IBM, Philips, và Sun Microsystems đều bị thất bại.
Năm 1996, Gil Amelio là người thay thế Spindler. Di sản lớn nhất ông để lại chính là đã mua lại NeXT với giá 429 triệu USD vào đầu năm 1997. Thương vụ mang Jobs quay trở lại Apple, nhưng cũng đánh dấu sự hủy hoại trong sự nghiệp của Amelio.
Tháng 6/1997, một đối tượng ẩn danh đã bán 1,5 triệu cổ phiếu Apple trong một vụ giao dịch. Động thái này khiến giá cổ phiếu giảm xuống mức thấp nhất sau 12 năm. Trong tuần cuối của tháng 7/1997, Jobs thuyết phục ban quản trị cho ông lên làm CEO tạm thời và sa thải Amelio.
Không lâu sau đó, Jobs đã thú nhận rằng chính ông là người đã bán tất cả cổ phiếu của Apple. Nhiều người cho rằng, hành động ấy của Jobs đã tác động cực lớn đến hội đồng quản trị của Apple trong việc đẩy Amelio khỏi công ty. Cuối cùng Amelio cũng đệ đơn từ chức.
Tháng 8/1997, Jobs làm rúng động mọi thứ. Ông mang trình làng một ban giám đốc mới, làm hòa với đối thủ lâu năm Bill Gates. Chủ tịch Microsoft còn có sự xuất hiện bất ngờ trên sân khấu Macworld để thông báo khoản đầu tư 150 triệu USD vào Apple, khiến cho ai cũng phải kinh ngạc.
Năm 1998, Apple ra mắt iMac, chiếc máy tính all-in-one thành công rực rỡ. Năm 2000, công ty chính thức bỏ từ “tạm thời” khỏi chức vụ của Jobs. Ông trở thành CEO toàn quyền. Và phần còn lại, như người ta vẫn nói, chính là lịch sử.
Vì vậy, khi các nhà lãnh đạo công nghệ trong thời buổi hiện đại như CEO cũ của Uber, ông Travis Kalanick nói rằng muốn trở thành “Steve Jobs thứ 2” để trở lại công ty mà họ từng bị sa thải, hãy ghi nhớ một điều rằng nói bao giờ cũng dễ hơn làm.