Sốc: Loài người từng suýt tuyệt chủng như khủng long

Google News

Một thảm họa cổ xưa khiến cả loài người chỉ còn 1.280 cá thể sống sót đã được phơi bày trong chính bộ gien của người hiện đại.

Cộng đồng bé nhỏ ấy đã gần như không thể sinh sôi trong khoảng 100.000 năm, bấp bênh bên bờ vực tuyệt chủng. Nhưng đó cũng có thể là điều thúc đẩy sự ra đời của 3 loài người "cao cấp" nhất trong cây gia đình phức tạp của tông Người.

Đoạn lịch sử gây rùng mình nói trên đã được tìm thấy thông qua một nghiên cứu dựa trên phân tích bộ gien của hơn 3.150 người hiện đại đến từ 10 quần thể châu Phi và 40 quần thể ở các châu lục khác, theo Live Science.

Soc: Loai nguoi tung suyt tuyet chung nhu khung long

Ảnh đồ họa mô tả việc con người từng suýt tuyệt chủng nhưng lại lợi dụng điều đó để tiến hóa nhảy vọt - Ảnh: CAS

Phân tích này đã phơi bày sự đa dạng của tổ tiên chúng ta trong từng thời kỳ và chỉ ra "nút thắt" dân số đáng sợ gần 1 triệu năm trước.

"Tổ tiên của chúng ta đã trải qua tình trạng tắc nghẽn dân số nghiêm trọng trong thời gian dài đến mức họ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao" - đồng tác giả Wangjie Hu từ Trường Y khoa Icahn ở Mouth Sinai (TP New York - Mỹ) cho biết.

Giai đoạn "nút thắt dân số đó kéo dài từ 930.000 đến 813.000 năm về trước, bắt đầu bằng một thảm họa bí ẩn khiến con người mất đi tới 98,7% dân số sinh sản, chỉ còn khoảng 1.280 người rải rác trên hành tinh.

Đại thảm họa này có thể là do một sự kiện lạnh đột ngột dẫn đến sự xuất hiện của sông băng, nhiệt độ bề mặt đại dương giảm kèm hạn hán kéo dài ở châu Phi, châu Âu và châu Á.

Chưa rõ chi tiết mà nó tác động, nhưng đó phải là một thảm họa toàn diện gần giống sự kiện đã giết chết loài khủng long - biến đổi khí hậu sau va chạm tiểu hành tinh Chicxulub. Tuy nhiên, con người may mắn hơn vì còn sót lại hơn 1.000 cá thể.

Hơn nữa, các cá thể này đã nhảy vọt tiến hóa.

Đó là sự ra đời của một nhóm người đặc biệt: Tổ tiên chung của Homo sapines, Neanderthals và Denisovans, là 3 loài cao cấp nhất của chi Homo (chi Người), theo bài công bố trên tạp chí Science.

Trong đó, Homo sapiens chính là chúng ta, còn 2 người họ hàng còn lại đã tuyệt chủng khoảng hơn 30.0000 năm trước.

Sự xuất hiện của vị tổ tiên chung này là bước nhảy vọt trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, bởi 3 loài sinh sau đẻ muộn này thông minh và có kỹ năng vượt rất xa so với các loài người cổ hơn.

Đó cũng là quãng thời gian mà một nghiên cứu trước đây chỉ ra 2 nhiễm sắc thể cổ xưa đã hợp nhất thành cái gọi là nhiễm sắc thể 2 ở người hiện đại, điều cũng chỉ ra sự xuất hiện của một vị tổ tiên.

Theo Anh Thư/Người Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)