Khi ảnh số thay thế ảnh phim vào đầu thập niên 2000, con số Megapixel trên những chiếc máy ảnh cũng trở thành "số chấm" gây tranh cãi nhất trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Các nhà sản xuất máy ảnh khi đó buộc phải chọn ra một con số đại diện cho chất lượng ảnh chụp, và họ chọn "số chấm" bởi đơn giản là con số này dễ thay đổi và dễ hiểu hơn bất kỳ con số nào khác. Ở phía ngược lại, những người thực sự hiểu biết về ảnh chụp sẽ hiểu Megapixel là một phần – thông số ống kính và kích cỡ cảm biến có lẽ còn quyết định nhiều tới chất lượng ảnh hơn là số chấm.
Thế rồi, máy ảnh số cũng dần bị thay thế. Năm 2007, Steve Jobs vén màn iPhone, mở màn cho cuộc cách mạng "modern smartphone" – những thiết bị hi-tech trực quan tích hợp đủ loại tính năng, bao gồm cả Internet và chụp ảnh. Chịu sức ép từ cả smartphone lẫn các mạng xã hội, thị trường máy ảnh du lịch (point-and-shoot) gần như tuyệt diệt, ngay cả DSLR chuyên nghiệp sau vài năm phát triển cũng đã chìm vào suy thoái triền miên. Là loại thiết bị được người dùng cầm theo gần như mọi lúc mọi nơi, smartphone cũng đã trở thành chiếc máy ảnh phổ biến nhất.
|
Thời ảnh số sơ khai: mua máy ảnh chỉ quan tâm "số chấm"... |
Trong năm 2019, loại máy ảnh này bắt đầu chứng kiến một trào lưu đặc biệt: "số chấm" được hồi sinh. Đầu năm, ông vua smartphone rẻ tiền là Xiaomi khoe chiếc Redmi Note 7 với camera 48MP. Độ phân giải này được tiếp tục sử dụng cho mẫu đầu bảng Mi 9, và đến cuối năm Xiaomi lại gây sốc bằng Mi Mix Alpha với cảm biến tận 108MP. Ngay cả các mẫu CC giá rẻ cũng được trang bị camera trước 32MP và camera sau 48MP.
Các đối thủ khác của smartphone Trung Quốc cũng không chịu ngồi yên chờ đợi. Trên dòng đầu bảng Reno, OPPO sử dụng cảm biến 48MP. Chiếc OPPO K5 tầm trung ra mắt với camera sau 64MP, ngang ngửa với độ phân giải trên mẫu X2 của hãng con Realme. 2 thương hiệu anh em cùng nhà BKK là OnePlus cùng Vivo cũng tham gia vào cuộc đua "số chấm": OnePlus 7 Pro dùng cảm biến 48MP, Vivo Nex 3 có cảm biến 64MP.
Là kẻ thống trị bảng xếp hạng DxOMark với "số chấm" dưới 20MP, năm nay Huawei cũng chuyển sang mốc 40MP cho cả P30 lẫn Mate 30. Thương hiệu con Honor của Huawei vào đầu tháng 10 cũng được chứng nhận cho chiếc Note 10 với camera 64MP.
|
Mười mấy năm sau, vẫn có kẻ đem số chấm ra khoe... |
Nhưng cuối cùng, số chấm khủng của smartphone sẽ đem lại điều gì? Theo thử nghiệm thực tế, đôi khi tất cả những gì người dùng nhận được là chiêu trò quảng cáo. Ví dụ, Redmi Note 7 ra mắt cùng một con chip không hề hỗ trợ độ phân giải 48MP. Để đạt đến con số quảng cáo này, Xiaomi dùng phép nội suy – người dùng chẳng nhận được thêm chi tiết nào cả.
Không kém phần tranh cãi là Mi 9: dù chip của Mi 9 có hỗ trợ 48MP, ảnh chụp độ phân giải cao chẳng hề đem lại cải thiện nào so với 12MP. Theo đánh giá của GSM Arena, "Lượng chi tiết thu về không có gì đặc biệt, ảnh bị mịn và nhiều nhiễu, và trong khi khoảng động vẫn giữ (như khi chụp 12MP), dung lượng ảnh đã bị tăng lên một cách vô ích. Chúng tôi đã chụp một vài mẫu 48MP, và bạn có thể thấy dễ dàng vì sao bạn đừng nên dùng lựa chọn này".
Huawei và OnePlus thì sao? Trong thử nghiệm chụp thiếu sáng, Android Authority cho rằng cả OnePlus 7T lẫn Huawei P30 Pro đều thua kém Pixel 4 và iPhone 11 về mức độ chi tiết. Pixel 4 chỉ dùng camera kép 16MP và 12MP, iPhone 11 Pro chỉ có 12MP trên cả 3 cảm biến. Đứng trước số chấm "khủng" của các đối thủ Trung Quốc, lẽ ra Apple và Google đã thua đứt chứ không phải là thắng lợi giòn giã như vậy.
|
Thử nghiệm thực tế Mi 9: Ảnh 48MP còn tệ hơn cả ảnh 12MP trên cùng một máy.... |
Tệ hại nhất, độ phân giải cao còn mang lại lợi bất cập hại. Lấy P30 Pro đi chụp ảnh đường phố, reviewer Mixtatic của The Next Web than phiền: "Trong thời gian sử dụng P30 Pro tôi đã bỏ lỡ khá nhiều bức hình đẹp. Trước khi chụp, tôi phải 'dự đoán' trước chủ thể sẽ làm gì, thay vì 'bắt khoảnh khắc' với máy ảnh. P30 Pro làm cho thời gian chụp lâu hơn để có một bức ảnh đẹp, và tôi lúc tôi cũng chỉ muốn bỏ cuộc luôn!". Những chiếc smartphone độ phân giải cao sẽ khiến smartphone mất thêm nhiều thời gian để xử lý – và người dùng phải trả giá bằng "khoảnh khắc", yếu tố quan trọng nhất của từng bức ảnh.
Với smartphone giá rẻ của Xiaomi hay Realmi, ảnh độ phân giải cao sẽ càng gây hại hơn nữa. Ví dụ, thử nghiệm Mi 9T (Redmi K20) của GSMArena cho thấy "lưu ảnh 48MP là một tác vụ chậm chạp và đắt đỏ - mỗi bức ảnh chiếm đến 30MB". Con chip được sử dụng trên Mi 9T là Snapdragon 730G; smartphone dùng chip thấp hơn chắc chắn còn phải trả giá đắt hơn nữa.
|
Độ phân giải cao cho ảnh chụp sẽ làm hỏng "linh hồn" của bức ảnh: mất khoảnh khắc vì chụp quá chậm. |
Thật khó tin, nhưng các nhà sản xuất Trung Quốc đang tái lập lại câu chuyện của 2 thập niên về trước, từ thời máy ảnh số mới bắt đầu phổ biến. Họ đang tạo ra một cuộc đua số chấm vô nghĩa, không những không cải thiện chất lượng ảnh mà còn làm lỡ khoảnh khắc, gây tốn dung lượng vô ích.
Nhưng có lẽ là họ cũng chẳng còn lựa chọn nào cả. Ở phân khúc trên, Apple và Google đang tiến hành cuộc đua "nhiếp ảnh điện toán" đầy hoang đường. Chi tiết trong bức ảnh không chỉ còn phụ thuộc vào kích cỡ hay số chấm, mà phụ thuộc vào mấy dòng code. Có thuật toán "xịn", Pixel hay iPhone có thể kết hợp nhiều khoảnh khắc làm một, thực sự tăng lượng chi tiết và chất lượng ảnh nói chung.
Còn Huawei hay Xiaomi thì không có thuật toán ở đẳng cấp ấy... Muốn tạo cảm giác chi tiết cho người dùng, họ đành khoe hàng chục MP.