Một cuộc đại tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm đã xoá sổ hơn 3/4 loài thực vật và động vật trên toàn cầu, bao gồm cả khủng long. Nhưng gián, một loài côn trùng bé nhỏ đã sống sót kể từ đó đến giờ.
Các nhà khoa học cho biết không có một sinh vật nào nặng hơn 25 kg sống sót được sau sự kiện diệt vong ở kỷ Phấn Trắng - Paleogene này.
Vì nhiều nguyên nhân, gián đã được tạo hóa trao cho rất nhiều cơ hội để sống sót. Nó cũng là loài sinh vật hang động duy nhất sống trước thời khủng long và còn sống sót tới tận bây giờ.
Khả năng sinh tồn kỳ diệu của loài gián
Với cơ thể vô cùng dẹt, đây là một lợi thế rõ ràng cho phép gián tìm được điểm ẩn náu, sâu trong những hang động khi cuộc đại tuyệt chủng xảy ra.
Khi tiểu hành tinh đâm vào Trái đất, nó đã gây ra một vụ nổ, kích hoạt một chuỗi domino khiến hàng loạt núi lửa trên Trái đất phun trào.
Nhiệt độ bề mặt hành tinh khi đó đã tăng vọt. Những loài động vật lớn khi không tìm được chỗ trú ẩn bị giết chết vì nhiệt độ cao.
Ngược lại, gián có thể chui xuống tận bên dưới những khe đất nhỏ, giúp chúng bảo vệ được cơ thể khỏi sức nóng.
Nhưng tác động của thiên thạch Chicxulub chưa dừng lại ở đó. Khi núi lửa trên Trái đất đồng loạt phun trào, chúng thổi tro bụi vào khí quyển, che kín bầu trời và khiến mọi thứ tối sầm lại. Mặt Trời bị khuất bóng, nhiệt độ bề mặt hành tinh lại giảm xuống và cả Trái đất trở nên lạnh lẽo.
Với lượng ánh sáng ít ỏi, các loài thực vật phải vật lộn để phát triển. Kết quả là những loài ăn cỏ may mắn sống sót qua vụ nổ thiên thạch lại phải "gục ngã" trước nạn đói, khi trữ lượng thức ăn của chúng cứ giảm dần.
Động vật ăn thịt cũng chịu chung số phận. Chỉ có các loài ăn xác thối là được hưởng lợi nhiều nhất.
Gián nằm trong số các loài ăn tạp. Nghĩa là chúng có thể ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, từ thực vật, xác động vật cho đến phân của chúng.
Nhiều loài gián nuôi động vật nguyên sinh và vi khuẩn sống cộng sinh trong ruột. Những sinh vật này đem đến khả năng tiêu hóa cellulose, giúp gián có thể ăn gỗ, bìa cứng và thậm chí cả quần áo.
Nói tóm lại, tập tính ăn uống dễ dãi đã cộng thêm cho gián một lợi thế để chúng sống sót qua thời kỳ khó khăn của sự kiện Chicxulub, và sau đó là hàng loạt các thảm họa thiên nhiên khác, cho đến tận bây giờ.
Đặc điểm hữu ích thứ ba giúp gián có lợi thế sinh tồn và truyền lại được gen của mình sang thế hệ sau, đó là chúng biết bảo vệ trứng.
Gián đẻ trứng sau đó mang trứng theo mình, bên trong các hộp bảo vệ được gọi là oothecae nằm ở cuối bụng của chúng.
Giống như vỏ ốp điện thoại, oothecae rất cứng và có tác dụng bảo vệ cực kỳ tốt. Nó có thể giữ cho trứng gián sống sót qua các điều kiện như lũ lụt và hạn hán.
Phía trên, chúng ta đã nói đến những con gián chui sâu xuống lòng đất sau vụ nổ thiên thạch Chicxulub.
Và khi mọi thứ đã lắng xuống, những con gián lại chui lên mặt đất để chứng kiến đống hoang tàn còn lại.
Chính tại thời điểm này, nhiều quả trứng gián đã nở và những sinh vật nhỏ bé tiếp tục sinh tồn, vươn lên từ đống đổ nát của hành tinh.
Sống sót qua chiến tranh hạt nhân và tiếp quản đống đổ nát của con người
Gián có thể bị bỏ đói tới 1 tháng không cần thức ăn mà vẫn sống. Các thí nghiệm cho thấy gián thậm chí có thể sống trong môi trường chân không trong vòng 45 phút. Trứng gián có thể sống sót 12 tiếng đồng hồ trong điều kiện -5 đến -8 độ C.
Khi bạn chặt đầu một con gián, phần thân của nó vẫn có hành vi sống như chạy trốn. Phần đầu của nó vẫn tiếp tục sống và vẫy râu trong vài giờ, thậm chí lâu hơn nếu bạn cung cấp cho nó chất dinh dưỡng.
Người ta thực sự nghĩ rằng nếu loài người bị tuyệt chủng vì chiến tranh hạt nhân, gián có thể vẫn còn sống sót sau đó.
Đó là bởi gián lột xác và phân chia tế bào của chúng hàng tuần. Khi một quả bom hạt nhân gây ra vụ nổ, gián có thể chịu đựng mức phóng xạ gấp 6-15 lần so với con người.
Chỉ cần quả bom nổ ở cuối chu kỳ lột xác của nó, các tế bào mới của gián sẽ sinh ra để thay thế cho những tế bào bị tổn hại khi chu kỳ mới bắt đầu.
Các nhà khoa học ước tính trên Trái đất hiện có hơn 4.600 loài gián. Nhưng chúng ta thực sự chỉ thấy được một số ít trong số đó, là những loài gián thích sống chung với con người.
Chúng ký sinh trong những ngôi nhà của chúng ta, ăn thức ăn thừa của chúng ta, tránh các loài thiên địch vốn thích ăn gián, chẳng hạn như chim, ếch, thằn lằn và nhện.
Một khi đã để gián lọt được vào nhà, chúng sẽ sinh sản và nhân lên với tốc độ khủng khiếp. Chẳng hạn như gián đức (Blatella germanica), mỗi con cái có thể đẻ 30-40 trứng một lứa, nhân lên với 6 lứa một năm là khoảng 200 con.
Chỉ 1 tháng sau khi nở, gián đức đã có thể được coi là trưởng thành và bắt đầu vòng sinh sản mới của chúng. Khi số lượng lớn gián trở nên mất kiểm soát, chúng có thể lây lan bệnh tật cho bạn. Gián bò vào quần áo, tủ đựng thức ăn có thể khiến bạn bị dị ứng, lên cơn hen suyễn và thậm chí sốc phản vệ.
Thật tiếc là với khả năng sinh tồn tuyệt vời của mình, gián cũng có thể kháng lại nhiều thuốc diệt côn trùng của con người.
Đến nỗi, bây giờ các nhà khoa học còn phải nghiên cứu tìm cách triệt sản gián ngay từ gốc, ví dụ như nghiên cứu này muốn khiến những con gián đực không còn thích gián cái nữa.
Tuy nhiên, trong môi trường rừng nhiệt đới, gián ăn gỗ và lá cây đang phân hủy và tiêu hóa chúng, biến chúng thành nguồn dinh dưỡng quý giá với thảm thực vật.
Phân gián chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, nổi bật trong số đó là nitrogen hữu cơ - thành phần không thể thiếu trong sự phát triển của nhiều loại cây cối khác nhau.
Gián tham gia vào chuỗi thức ăn trong tự nhiên, nó làm mồi cho nhiều loài vật có vú nhỏ, chim và bò sát. Các loài động vật này lại là thức ăn cho những mắt xích tiếp theo trong chuỗi thức ăn rộng lớn.
Do đó, nếu đột nhiên một ngày gián bị tuyệt chủng, nó sẽ gây ra một sự xáo trộn lớn đối với thế giới. Nhưng cũng phải nói rằng đó là một kịch bản khó có thể xảy ra.
Dù cho là chiến tranh hạt nhân hay một thiên thạch mới lao vào Trái đất, có lẽ chúng ta nên tự lo cho bản thân trước khi lo cho loài gián.