Theo Daily Mail, ngay khi phát hiện ra sinh vật bí ẩn, người leo núi này đã ghi lại hình ảnh bằng cách quay video. Âm thanh trong video cho thấy người này tỏ ra khá sợ hãi.
Đoạn video thu hút sự chú ý đặc biệt trên internet, cho thấy hình ảnh sinh vật kỳ lạ giống như người Tuyết Yeti. Video được cho là quay lại ở Yalta, bán đảo Crimea. Đây là nơi Nga tuyên bố sáp nhập lãnh thổ trong cuộc xung đột miền đông Ukraine.
Người leo núi nói trong video rằng, anh ta không biết mình phải làm gì với những gì đang tận mắt chứng kiến. Người này nhanh chóng tìm nơi ẩn nấp trong rừng cây rậm rạp.
Đoạn video đăng tải lên Youtube với dòng chữ: “Tôi không biết đây là ai hay đó là thứ gì”.
Nhưng một số người xem video cho rằng, đây là chỉ là khung cảnh được dàn dựng. Người Tuyết Yeti bí ẩn thực chất là một người trong bộ đồ hóa trang.
Đoạn video lần đầu xuất hiện trên Youtube cách đây 6 năm nhưng mới được chia sẻ trở lại trên internet, theo Daily Mail.
|
Hình ảnh sinh vật bí ẩn trong video. |
Một người xem bình luận trên Youtube: “Đoạn gay cấn nhất trong video là việc anh ta rõ ràng tỏ ra sợ hãi”.
“Ngay cả khi video này được dàn dựng, những người tham gia trong video chắc hẳn phải diễn xuất rất giỏi”, một người khác nói, theo Daily Mail.
Yeti là người Tuyết bí ẩn trong truyền thuyết, thường được nhắc đến trong các câu chuyện ở Đông Âu và châu Á. Người Mỹ cũng có câu chuyện tương tự nhưng gọi đây là quái vật chân to (Bigfoot).
Người Tuyết Yeti ẩn mình trên những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng thuộc dãy Himalaya từ lâu đã trở thành bí ẩn thách thức giới nghiên cứu. Các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra bằng chứng chứng minh người tuyết có hình dáng giống loài linh trưởng và cao gấp rưỡi người bình thường, theo Mirror.
Cụm từ "người tuyết" lần đầu xuất hiện năm 1921, khi trung tá Charles Howard-Bury dẫn đầu đoàn thám hiểm người Anh, thăm dò đỉnh núi Everest.
Trong cuốn sách kể về chuyến phiêu lưu, Howard-Bury khẳng định đoàn của ông bắt gặp hai hàng dấu chân trên tuyết mềm. Nhiều khả năng đây là dấu vết do người đi chân trần để lại.
Nhiều người khẳng định bắt gặp người tuyết ở Nepal, Bhutan, Ấn Độ và thậm chí cả Mông Cổ nhưng họ đều không thể đưa ra bằng chứng xác thực.