Quyền riêng tư trên điện thoại là món hàng xa xỉ

Google News

(Kiến Thức) - Những chiếc điện thoại rẻ tiền chạy hệ điều hành Android đang xâm phạm quyền riêng tư của hàng tỷ người dùng, những người không có nhiều lựa chọn để kết nối Internet.
 

Sự riêng tư, dường như ngày càng là một món hàng xa xỉ, dành riêng cho những người có thể chi trả. Ở trong thế kỷ 21 này, các dịch vụ "miễn phí" hiếm khi miễn phí và có một câu ngạn ngữ rằng: "Nếu không thanh toán bằng tiền của mình, bạn sẽ phải thanh toán nó bằng dữ liệu cá nhân."
Trong khi người dùng ở mức sống cao trên thang thu nhập có thể đủ khả năng để được lựa chọn giữa việc chi trả bằng tiền mặt hay quyền riêng tư của bản thân thì những người dùng điện thoại thông minh giá rẻ lại không. Gánh nặng này đang đè nặng lên vai hàng tỷ người dùng đang bị ngập trong cái hố sâu gọi là "thị trường smartphone chạy Android giá rẻ".
Ví dụ như ở Mỹ hay các nước châu Âu, iPhone của Apple có thể là dòng thiết bị phổ biến nhất. Nó có một hệ điều hành trọn gói, vô cùng bảo mật và đi kèm một mức giá cũng khá... phù hợp với khả năng chi trả của mọi người. Nếu không thích iPhone, bạn có thể chọn một mẫu flagship chạy Android như Google Pixel hoặc Samsung Galaxy mới, với mức giá trong khoảng 500 đến 1000 USD. Không bảo mật tốt như iOS nhưng rõ ràng thông tin cá nhân của bạn đã được bảo vệ, phần nào đó, theo lời hứa và cam kết của nhà sản xuất.
Quyen rieng tu tren dien thoai la mon hang xa xi
Trạm sạc điện thoại ở Philippines, từ máy phát điện vào năm 2013, sau sự cố mất điện trên diện rộng bởi ảnh hưởng của bão Haiyan. 
Tuy nhiên, niềm hạnh phúc mà đôi khi bạn không nhận ra này, chỉ giới hạn ở những người giàu có. Hàng tỷ người dùng khác, ở các nền kinh tế đang phát triển và chạm phát triển, không có cơ hội chạm tay vào các mẫu smartphone cao cấp. Và gần như tất cả các điện thoại cấp thấp hơn có sẵn trên toàn thế giới đều chạy Android, giúp cho hệ điều hành của Google chiếm hơn 80% thị phần trên toàn cầu.
Nhưng Android có thể dễ dàng bị sửa đổi bởi các nhà sản xuất thiết bị và nhà mạng. Điện thoại càng rẻ thì càng có khả năng ai đó hoặc nhiều người nào đó, đã cài đặt phần mềm rác hoặc mã độc trên đó.
Một ví dụ điển hình là MYA2 MyPhone, một thương hiệu smartphone giá rẻ đang được bán phổ biến ở Philippines. Theo Fast Company, chiếc điện thoại này được mô tả như một cơn ác mộng về quyền riêng tư và bảo mật.
"Đầu tiên, nó đi kèm với một phiên bản Android lỗi thời với các lỗ hổng bảo mật đã biết tới và không thể cập nhật hoặc vá. MYA2 cũng có các ứng dụng không thể cập nhật hoặc xóa, đồng thời những ứng dụng đó cũng chứa nhiều lỗ hổng bảo mật và quyền riêng tư. Một trong những ứng dụng được cài đặt sẵn không thể xóa là Facebook Lite, được phép mặc định theo dõi mọi nơi bạn đến, tải lên tất cả các liên hệ của bạn và đọc cả lịch trên điện thoại của bạn", báo cáo cho biết.
Quyen rieng tu tren dien thoai la mon hang xa xi-Hinh-2
MYA2 MyPhone, lựa chọn cuối cùng trong trường hợp không có smartphone nào để sử dụng. 
Theo dữ liệu được thu thập bởi Trung tâm nghiên cứu Pew, khoảng 17% người Mỹ trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh và chỉ có điện thoại thông minh để kết nối Internet. Nhưng theo nấc thang thu nhập càng đi xuống thì tỷ lệ đó lại càng cao. Trong số những người có thu nhập hộ gia đình một năm rơi vào khoảng 50.000 đến 75.000 USD, khoảng 10% người dùng chỉ sử dụng điện thoại di động. Trong số những người có thu nhập hộ gia đình giảm xuống dưới 30.000 USD, con số này tăng lên 26%.
Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Pennsylvania và Đại học Rutgers, cho thấy nhiều người tiêu dùng có thu nhập thấp, chỉ có lựa chọn kết nối với Internet duy nhất qua chiếc điện thoại di động giá rẻ của họ. Họ nhận thức rõ rằng quyền riêng tư của họ thường xuyên bị vi phạm, nhưng không có khả năng lựa chọn để thay đổi.
"Gần như tất cả những người tham gia nghiên cứu đã chia sẻ những câu chuyện về việc từ bỏ quyền riêng tư dữ liệu của họ, thứ mà các nhà nghiên cứu coi là quyền cơ bản của con người, để đổi lấy khả năng truy cập các dịch vụ và nền tảng trực tuyến", báo cáo viết.
Quyen rieng tu tren dien thoai la mon hang xa xi-Hinh-3
 Trong thế kỷ 21, chả có thứ gì miễn phí, đặc biệt là ứng dụng trên smartphone giá rẻ.
Fast Company cũng lưu ý rằng khoảng 2 tỷ người dùng, chỉ truy cập Internet trên điện thoại thông minh của họ. Con số đó được dự đoán sẽ lên tới 3,7 tỷ người dùng vào năm 2025, khi cơ sở hạ tầng di động được củng cố và đạt mức thâm nhập đáng kể ở các khu vực hiện không được giám sát.
Nhưng vấn đề này không phải là mới và nó đang không chỉ giới hạn trên người dùng ở các nền kinh tế đang phát triển hoặc các quốc gia có GDP thấp. Vào năm 2016, 120.000 điện thoại Android được phân phối tại Mỹ bởi BLU Products đã bị phát hiện là gửi tin nhắn văn bản của người dùng cùng các dữ liệu rất nhạy cảm khác đến Trung Quốc. Lỗ hổng bảo mật trên thiết bị này không phải là một lỗi mà lại chính là một tính năng của điện thoại.
Hàng chục mẫu điện thoại Android khác đã được tìm thấy trong những năm gần đây được cài sẵn các phần mềm độc hại, thường được phân phối bởi các đại lý với giá rẻ.
Và sự đánh đổi lợi ích với quyền riêng tư không phải lúc nào cũng được thực hiện lén lút. Chẳng hạn, năm 2016, Amazon đã khởi động một chương trình bán điện thoại Android giá rẻ, với yêu cầu đi kèm là nó được cài sẵn một số ứng dụng hỗ trợ việc kinh doanh. Công ty đã từ bỏ chương trình này vào năm 2018, sau khi Google thay đổi các điều khoản trong chính sách dành cho nhà phát triển.
Phương Thảo

>> xem thêm

Bình luận(0)