Hôm 13/9, một đoạn video được tung lên mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ. Trong đó, một sinh vật đen, dài, di chuyển qua lại mặt nước trông giống con lươn hoặc con rắn khổng lồ.
Video đã thu hút hơn sáu triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt thích sau khi được trang Pear Video chia sẻ.
Đoạn video được xác định là quay ở con sông bên ngoài thành phố Nghi Xương, phía tây tỉnh Hồ Bắc, gần đập Tam Hiệp.
|
Hình ảnh từ đoạn video về "Quái vật trên sông Dương Tử" gây xôn xao dư luận. Ảnh: Pear Video. |
Trong cuộc phỏng vấn với Pear Video, giáo sư Wang Chunfang từ Đại học Nông nghiệp Huazhong đã bác bỏ khả năng đó là một loài mới và cho rằng sinh vật lạ có thể đơn giản là con rắn nước.
Một số người dùng mạng nhận định các yếu tố như ô nhiễm có thể khiến con rắn biển phát triển đến kích thước phi thường. Tuy nhiên, giả thuyết này không thuyết phục được tất cả mọi người.
Nhiều người đặt câu hỏi liệu vật thể lạ có phải là sinh vật sống hay không. Nhiều người lại đặt giả thiết về một sinh vật như "Quái vật hồ Loch Ness" dưới lòng sông Dương Tử.
Nhà sinh vật học Ding Li nói rằng vật thể này không phải là cá hay rắn, mà chỉ là "vật nổi".
Sau đó, sự xuất hiện bức ảnh cho thấy mảnh vải đen dài nằm trên các tảng đá trên sông khiến cuộc thảo luận thêm sôi nổi.
Các "manh mối" biến câu chuyện sang hướng khác. Có thể đó là trò đùa của chính quyền địa phương nhằm thu hút khách du lịch đến đây để tham quan đập Tam Hiệp. Con đập ngốn mất hàng triệu USD để xây dựng và vận hành.
|
Mảnh vải đen dài xuất hiện trên mạng sau đó càng khiến dư luận xôn xao bàn tán. Ảnh: Pear Video. |
Những người khác nghi ngờ video được cắt ghép trong thời đại công nghệ cao phát triển chóng mặt ở Trung Quốc.
"Quái vật luôn xuất hiện khi người quay dùng điện thoại chất lượng thấp", một người dùng phân trần.
Sông Dương Tử là con sông dài nhất châu Á (6,300 km) và dài thứ ba trên thế giới sau sông Nile ở châu Phi, sông Amazon ở Nam Mỹ.
Con sông đã bị ô nhiễm nặng trong những năm gần đây, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của sông.
Sinh vật lớn nhất Trung Quốc được cho là tồn tại trên con sông này là con kỳ nhông khổng lồ, có thể dài tới 1,8 m. Loài này đang bị đe dọa nghiêm trọng do sông bị ô nhiễm.