Elizabeth Manson, là một công dân sống tại thành phố Melburne ở Úc, đất nước có thảm động, thực vật cực kỳ phong phú và đa dạng.
Nhắc đến hệ động vật của Úc ai cũng có thể dễ dàng kể tên từ các loài chuột túi Kangaroo, gấu túi Koala nhện khổng lồ, dơi khổng lồ, thằn lằn cho đến các loài động vật nguy hiểm hơn như rắn, cá sấu nước mặn... thậm chí nơi đây còn là nhà của các loài côn trùng cực kỳ độc đáo, hiếm gặp khiến ai cũng phải kinh ngạc.
Có thể nói kể từ khi sinh ra và lớn lên, chị Manson đã chứng kiến và gặp gỡ đủ loài động vật hoang dã nên tưởng chừng như sẽ không có gì có thể khiến bản thân lay động thì đến một ngày, mẹ thiên nhiên đã run rủi đưa chị vào một tình huống đáng kinh ngạc.
Buổi tối hôm đó, Manson đang rảo bước trên con đường về nhà thì phát hiện một vài vật thể phát sáng lấp lánh trong bóng tối.
Bản tính hiếu kỳ trong người trỗi dậy, chị quyết định tiến lại gần để tìm hiểu xem đó là thứ "quái quỷ" gì. Thì ra, một binh đoàn ốc sên khoảng 50 - 60 con đang tổ chức "giải đi bộ" thu nhỏ băng qua đường để đến đích là bãi cỏ ẩm ướt phía trước mặt. Cuộc đua với sự góp mặt của rất đông thành viên đã gây ra tình trạng ách tắc giao thông tạm thời, khiến Manson khá bối rối.
"Tôi khá bất ngờ vì không lường trước sẽ có lúc mình gặp phải tình huống kỳ lạ như thế này trong đời. Vì là một người thích nghiên cứu về các loài động vật không xương sống nên chỉ nhìn kỹ một chút là tôi đã có thể phát hiện ra những sinh vật kỳ lạ đang qua đường là một đàn ốc sên. Nếu là người khác, chứng kiến số lượng ốc sên lớn như thế chắc hẳn sẽ vô cùng hoảng sợ bởi khung cảnh giống hệt như trong một bộ phim kinh dị, nhưng bản thân tôi lại thích thú trước sự việc có một không hai này", Manson tường thuật lại cảm xúc của mình.
Không những thế, theo người này cảm nhận, nhiều con ốc sên có vẻ như hoạt động tích cực hơn trong thời gian chị bước qua vì nhiệt độ ngoài trời giảm xuống và có một vài hạt mưa lớt phớt.
Manson sau đó đã chụp lại những bức ảnh và đăng tải lên trang xã hội facebook của mình để khoe chiến tích với bạn bè. Cô hài hước viết rằng ở Úc có nhiều loài động vật khổng lồ, đáng tiếc ốc sên ở đây cũng chỉ to bằng các loài ở nơi khác.
Ốc sên là loài động vật được coi là di chuyển chậm chạp nhất trong tự nhiên. Theo tính toán của các nhà động vật học, ốc sên di chuyển với vận tốc 1,5 mm trong một giây hay 5,4 m trong một giờ, nghĩa là chậm hơn người đúng một nghìn lần. Nguyên nhân là do ốc sên phải mang cả một căn nhà di động đồ sộ trên lưng. Lớp vỏ ốc sên mang trên người chiếm phần lớn trọng lượng của nó. Lớp vỏ cứng là nơi trú ẩn an toàn cho ốc sên nhưng lại to và quá nặng so với thân hình của nó khiến nó di chuyển rất chậm chạp. Ngoài ra, do chân của loài ốc sên bị tiêu biến chỉ có thể bò bằng lưỡi một cách nặng nề cũng làm cho tốc độ di chuyển của loài này trở nên vô cùng chậm chạp.
Sở dĩ ốc sên đi đến đâu sẽ bỏ lại nước dãi là do trên chân của chúng có một loại thể tuyến gọi là túc tuyến. Túc tuyến có thể tiết ra một loại thể dịch rất dính để giúp ốc sên bò, do vậy chỗ nó vừa bò qua đều để lại vết dịch dính từ túc tuyến tiết ra. Sau khi vết dịch dính này khô đã hình thành một vệt nước sáng lấp lánh.