Theo Sci-News, một nhóm nghiên cứu cổ sinh vật học quốc tế đã phát hiện ra một loạt dấu chân khủng long dạng chim hóa thạch tại địa điểm hóa thạch Longxiang ở tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc.
Trong đó, các dấu chân hóa thạch nhỏ hơn dài 11 cm, thuộc về một loài khủng long đã biết mang tên Velociraptorichnus.
Thế nhưng bên cạnh đó còn có dấu chân khổng lồ khác dài 36 cm, tiết lộ về một loài điểu long hoàn toàn mới.
Hóa thạch dấu chân trông có vẻ ít hoành tráng hơn so với hóa thạch xương, nhưng lại có giá trị cực cao đối với ngành khảo cổ, nhất là khi mô tả các loài mới thuộc về một nhóm đã biết.
Các dấu chân không chỉ tiết lộ hình dáng sơ bộ của con vật, mà còn là "phim âm bản" 3D mô tả hình dáng bên ngoài, bao gồm lớp da, các thớ cơ... và giúp các nhà khoa học phục dựng lại cách con vật đã di chuyển trên mặt đất, từ đó suy ra tập tính của loài.
Nó cũng là một loài săn mồi đỉnh cao trong khu vực.
“Nó cao khoảng 5 m với đôi chân dài 1,8 m, vượt xa kích thước của những con chim ăn thịt được mô tả trong Công viên kỷ Jura. Hãy tưởng tượng thứ gì đó như thế đang lao tới với tốc độ tối đa” - TS Anthony Romilio từ Đại học Queensland (Úc), thành viên nhóm nghiên cứu, mô tả.
Để xác định loài mới, các dấu vết nói trên đã được so sánh với các dấu vết khủng long hai ngón đã được biết đến khác trên khắp Châu Á, Bắc, Nam Mỹ và Châu Âu.
Đa số điểu long được tìm thấy ở khu vực có vĩ độ cao, gần Bắc Cực, nhưng phát hiện mới tại Phúc Kiến cho thấy nhóm khủng long này đã phân tán xa hơn về phía Nam so với tưởng tượng.
Cuộc nghiên cứu còn có sự góp mặt của các nhà khoa học từ Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc, Đại học Hạ Môn, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đá Yingliang, Viện khảo sát địa chất Phúc Kiến (Trung Quốc), Trường Đại học Colorado ở Denver và Đại học Charleston (Mỹ).