Nhóm các nhà khảo cổ cho biết điện thờ có tên gọi lararium này rất đặc biệt, được xây liền với tường của một ngôi nhà nhỏ và có tường sơn đỏ thẫm cùng nhiều bích họa mô tả khu vườn kỳ thú với chim muông, cây cối và các loài rắn cùng nhiều tranh vẽ các vị thần La Mã hay được thờ cúng tại gia.
Tranh vẽ động vật trong khu vườn kỳ thú tuân theo phong cách minh họa đặc trưng ở thời La Mã, trong đó chim công được vẽ dọc chân tường cảm giác như nó đang bước đi trong khu vườn thực sự.
Ngoài ra còn có một bức bích họa vẽ người đàn ông đầu chó, có thể là phiên bản La Mã của thần Anubis ở Ai Cập.
Theo giáo sư sử học Ingrid Rowland thuộc Đại học Notre Dame, điện thờ rất phổ biến trong các gia đình La Mã, và "Mỗi ngôi nhà có latarium, nhưng chỉ những người giàu có nhất mới có thể xây lararium bên trong một căn phòng đặc biệt trang trí xa hoa".
Còn theo ông Massimo Osanna, người chỉ đạo khai quật ở di tích khảo cổ Pompeii, thì công trình này được bảo quản cực tốt. Ông cho biết: "Những bức tranh nằm rải rác trong khu vực được bảo quản bởi tro núi lửa sau vụ phun trào của núi Vesuvius vào năm 79. Lớp đá và tro dày phun ra trong thảm họa kéo dài 2 ngày ngăn ánh sáng Mặt trời và nước tiếp xúc với đồ tạo tác bên dưới trong gần 2 thiên niên kỷ". Ông nói phát hiện này là kỳ diệu và bí ẩn cần nghiên cứu lâu dài.
Pompeii là thành phố bị “xóa sổ” ngày 24-8-79, khi ngọn núi lửa Vesuvius bất ngờ phun nham thạch. Những cột dung nham nóng bỏng phun lên tưởng chừng như chạm đến tận trời, bắn tung tóe ra bốn phía, muội đen mù mịt khắp trời đất. Mọi thứ dường như đều bị “luộc” chín trong bùn sôi và dung nham khiến Pompeii bị vùi lấp trong lớp đất đá dày.
Thành phố Pompeii lúc đó có 25 nghìn dân, và có hơn 2.000 người bị vùi dưới tro bụi và dung nham của núi lửa. Cùng với dòng chảy của thời gian, mọi người dần quên lãng thành phố Pompeii và thành phố cũng mất tích từ đó. Mãi tận năm 1748, công tác tìm kiếm thành cổ Pompeii của các nhà khảo cổ mới được bắt đầu, và việc khai quật đã cung cấp nhiều điều đặc biệt về cuộc sống con người cách đây hơn 2.000 năm.
Hiện nay, phế tích thành phố cổ Pompeii được UNESCO xếp hạng vào mục di sản thế giới và là một điểm hấp dẫn khách du lịch vào bậc nhất của nước Ý với lượng khách trung bình 2,5 triệu lượt mỗi năm. Có lẽ vì vậy nên việc phục hồi Pompeii đã trở thành vấn đề gây bàn cãi nhiều nhất tại Ý trong nhiều năm qua.