Về mặt kỹ thuật, các nhà khoa học không thể nhìn trực tiếp lỗ đen Sagittarius A* ở trung tâm thiên hà. Thay vào đó, họ quan sát các vấn đề xảy ra xung quanh. Khi lỗ đen này hoạt động mạnh hơn bình thường, chân trời sự kiện của nó sẽ sáng hơn do ma sát sinh ra nhiều năng lượng.
Lỗ đen Sgr A* thường được xem là “khá điềm tĩnh” vì ít khi xảy ra biến cố ở chân trời sự kiện. Nhưng từ hồi tháng 5 năm nay, lỗ đen này bắt đầu chớp tắt liên tục.
"Lỗ đen luôn luôn thay đổi, nhưng lần này là ảnh quang phổ hồng ngoại sáng nhất chúng ta từng thấy cho đến nay", Tuấn Đỗ, nhà thiên văn học tại Đại học California, Los Angeles, Mỹ, tác giả chính của nghiên cứu mới cho biết, "Có lẽ còn sáng hơn nữa trước khi chúng tôi bắt đầu quan sát đêm đó".
|
Minh họa cho thấy vùng chân trời sự kiện của Sgr A* có những phát sáng không rõ nguyên nhân. Ảnh: ESA.
|
Nhận định trên của Tuấn Đỗ dựa trên thực tế, khi các nhà thiên văn tập trung quan sát lỗ đen vào ngày 13/5, họ thấy độ sáng suy giảm theo thời gian tương đối cao. Điều này cho thấy lỗ đen đã vượt qua một đỉnh thậm chí còn sáng hơn.
Nhóm nghiên cứu của Tuấn Đỗ dùng kính thiên văn Keck trên đỉnh Mauna Kea ở Hawaii. Thiết bị này nhìn thấy dải quang phổ hồng ngoại gần, gồm các bước sóng dài hơn một chút so với những gì mắt chúng ta có thể nhìn thấy.
Các nhà khoa học cho rằng lỗ đen sáng lên đột ngột do có một ngôi sao đi qua, hoặc có thể là đám mây bụi G2 được phát hiện vào năm 2014. Nhóm nghiên cứu hy vọng các quan sát mới về Sgr A * sẽ giúp họ biết được lỗ đen khổng lồ đang xảy ra biến cố gì.
Các thiết bị khác, gồm kính viễn vọng không gian Spitzer, Chandra và nhiều thiết bị trên mặt đất cho thấy lỗ đen Sgr A* đã chớp tắt liên tục trong vài tháng qua, dù những dữ liệu này vẫn chưa được phân tích. ART-XC, kính viễn vọng không gian mới của Nga đi vào hoạt động khoảng một tháng trước, cũng đang hướng về lỗ đen dù vẫn trong giai đoạn hiệu chuẩn.
Lỗ đen Sgr A* cũng là mục tiêu của kính thiên văn Event Horizon, dự án thiên văn hợp tác toàn cầu đã công bố hình ảnh đầu tiên về lỗ đen vào tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, hình chụp hố đen đầu tiên là M87 chứ không phải lỗ đen ở trung tâm thiên hà chúng ta.