Nhà Vật lý Roland Bacon tại Trung tâm Nghiên cứu Vật lý thiên văn Lyon (Pháp) cùng các cộng sự đã phát hiện thêm 72 thiên hà mới trong vũ trụ nhờ Thiết bị đo Quang phổ đa đơn vị (MUSE) trên Kính Thiên văn rất lớn (VLT) tại Đài thiên văn Nam Âu (ESO) ở Chile. Phát hiện được công bố trên trang chính thức của ESO hôm 29/11/2017.
|
Phát hiện thêm 72 thiên hà mới trong vũ trụ. Ảnh: Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu. |
Những thiên hà này cùng nằm trong một vùng không gian tương đối nhỏ gọi là Vùng Siêu Sâu Hubble (HUDF) và phát ra tín hiệu Lyman-alpha.
Trong nhiều thập kỷ, khu vực HUDF luôn là mục tiêu quan sát của rất nhiều nhà khoa học, tuy nhiên hình ảnh của 72 thiên hà chỉ trở nên rõ ràng hơn khi sử dụng đến công cụ MUSE.
Bacon cho biết, MUSE sử dụng công nghệ quang phổ để phân tách ánh sáng phát ra từ các thiên hà thành nhiều màu thành phần. Điều này giúp phép chúng ta đo được khoảng cách, màu sắc và những thuộc tính khác nhau của thiên hà được quan sát.
Bên cạnh việc phát hiện ra 72 thiên hà mới, các nhà khoa học cũng thu được dữ liệu quang phổ cực kỳ chi tiết của tổng cộng 1.600 thiên hà. Nếu sử dụng những kính thiên văn mặt đất khác, họ chỉ có thể thực hiện phép đo đo chính xác tương tự với 1/10 lượng thiên hà nói trên.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính, toàn bộ dải Ngân Hà của chúng ta có khoảng 100 - 400 tỷ ngôi sao. Giả sử mỗi ngôi sao cùng với 8 hành tinh tạo nên những hệ giống như hệ Mặt Trời thì toàn dải Ngân hà có 800 - 3,2 nghìn tỷ hành tinh. Nếu trung bình mỗi thiên hà mới được phát hiện lại chứa 100 tỷ ngôi sao thì chúng ta có thêm 57,6 nghìn tỷ hành tinh cần khám phá.
“Những phát hiện tương lai cùng với Kính viễn vọng Không gian James Webb sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những thiên hà mới này" - Bacon nói.