Nơi ấy chính là Quê hương hạt dẻ Trùng Khánh thuộc tỉnh Cao Bằng với thổ nhưỡng, thảm thực vật và khí hậu hết sức kì lạ với cây dẻ cổ thụ cả trăm tuổi tới những rừng cây Xâu Xâu rực đỏ vào cuối thu (như cây lá phong châu Âu).
Tới tháng 5 Âm lịch, sau khi mùa hoa hồng dại bắt đầu đi qua, thay vào đó tường vi nở hồng rực các bờ suối, nước sông Quây Sơn và sông Bắc Vọng dâng cao, cung cấp nước cho nông dân người Tày-Nùng dồn toàn bộ lực lượng cấy lúa 01 vụ duy nhất trong năm.
|
Hoa tường vi Trùng Khánh. |
1. Đá mọc chen lúa và đất đai được nghỉ ngơi, tái tạo để duy trì độ phì nhiêu cho vụ lúa duy nhất trong năm
Đất đai được nghỉ từ cuối mùa thu năm trước sau khi lúa đã được thu hoạch về treo trên các gác bếp, qua mùa đông dài phủ băng tuyết, rồi mùa xuân khi cỏ non thảo mộc nhú lên xanh biếc sáng bừng không gian, chỉ những ruộng nào có diện tích lớn và bằng phẳng, gần nguồn nước nhất sẽ được tận dụng trồng ngô, trồng lúa mì hoặc củ cải – là cây lương thực quan trọng để nuôi lợn Tết; còn lại hầu như được nghỉ dài cho vi sinh vật hoạt động tạo thêm nhiều dưỡng chất cho đất để vào đầu tháng 5 Âm lịch, toàn bộ ruộng đồng sẽ được hồi sinh.
Người nông dân bắt đầu với việc sửa cọn nước, đưa nước từ sông suối vào ruộng đồng.
Có nước rồi, họ tỉ mẩn cẩn thận lấy nước rồi be bờ, làm cỏ bờ thủ công, không dùng bất cứ hóa chất diệt cỏ nào để không gây ảnh hưởng cho Trâu bò sẽ tham gia cày ruộng và nhiều gia cầm khác được chăn thả đồng theo truyền thống
Tới bây giờ khi mọi nhà đã có Tivi và nhiều nhà có Internet, nông dân người Tày-Nùng Trùng Khánh vẫn giữ lối làm nông nghiệp thủ công dựa vào sức người và động vật vì điều kiện địa hình và thói quen sống thân thiện với môi trường.
|
Nông dân Trùng Khánh cày bò trong ruộng đá. |
Các nông hộ phải luân phiên chờ tới lượt mình đưa nước vào đồng, ruộng ai có nước trước các hộ khác trong bản sẽ tới xúm vào giúp cày cấy, để tới lượt mình thì cũng được giúp lại.
Là vụ lúa duy nhất nên nhà nào cũng cố gắng tập trung lao động, tranh thủ mùa nước về và để lúa chín kịp trước khi mùa đông tới. Nắng tháng Năm chói chang nhưng tiếng cười nói luôn rộn rã trên khắp cánh đồng như mùa đi hội.
2. Lễ hội nghỉ dưỡng thường niên của trâu bò thể hiện tình yêu thương vật nuôi và tính nhân văn trong sử dụng vật nuôi lấy sức kéo.
Tới đầu tháng 6 Âm lịch, gần như ruộng đồng đã xanh rờn lúa mới, ai chưa xong thì cũng hết sức khẩn trương để kết thúc mùa vụ, và kịp cho trâu bò nghỉ ngơi trong lễ hội nghỉ dưỡng dành riêng cho chúng.
Đây là tục lệ lâu đời để bày tỏ tri ân tới trâu bò, trong tiếng Tày được gọi là lễ “khôn goài” tức ngày nghỉ dưỡng của trâu bò, thể hiện tình yêu thương trong việc nuôi dưỡng và sử dụng vật nuôi một cách nhân văn tại các nông hộ nơi đây.
Hôm ấy, từ sớm, trâu bò được nông hộ nhốt và nhàn rỗi gặm nhấm, tận hưởng sự phục vụ của nông dân với lá cây ngô hãy còn tươi mang từ nương về.
|
Trâu được nhốt, gặm lá ngô tươi. |
Nhà nhà sẽ làm bún, trong khi phụ nữ sẽ xay bột, nhào bột, luộc bột, giã bột; còn trẻ em có phần nặn bánh bún thành những chú gà, bò, trâu và đem nướng ngay trên bếp lò rực hồng; thì đàn ông trai tráng trong nhà sẽ đảm nhiệm việc ép bún thủ công từ bột đã chín bằng khuôn bún đẽo từ gỗ nghiến.
Khắp các nhà trong bản râm ran tiếng cười nói, hò dô đồng sức ép bún, cũng thi thoảng có tiếng “trách móc” khi mà các bà các mẹ thường tham lam muốn làm nhiều bún hơn, hoặc trót ngâm nhiều gạo trong khi cánh đàn ông “zô ta” gắng sức ép bún mãi đến trưa mà chưa được nghỉ ngơi.
Mệt là vậy nhưng khi nhìn thấy từng gắp bún trắng ngần được vớt ra từ chảo nước sôi ùng ụng hứng ngay dưới khuôn, ai cũng mãn nguyện với một niềm vui xốn xang trong trẻo. Bọn trẻ con hết nặn bánh thì lại lăng xăng bên bà hay mẹ chúng lấy phần bún nhà mình trải lên nong mẹt tre đã được rửa sạch bằng nước sôi và phơi khô.
Mời quý độc giả xem video Trâu điên tấn công người ở Lâm Đồng (nguồn VTV):