TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu, TS Đoàn Lê Hoàng Tân là 2 trong số những nhà nghiên cứu khoa học trẻ mong muốn tên Việt Nam được nhắc đến nhiều hơn trên bản đồ khoa học quốc tế.
Trở về vì 2 tiếng Việt Nam
TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu là 1 trong 5 người Việt Nam có tên trong danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu Châu Á năm 2021 - danh sách được tạp chí Asian Scientist công bố hàng năm về các tài năng khoa học xuất sắc trong khu vực. Năm nay, TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu và 99 nhà khoa học khác được ví là “Bộ óc hàng đầu khu vực”.
Khao khát đóng góp cho đất nước, Nguyễn Trương Thanh Hiếu quyết định trở về Việt Nam để tiếp tục con đường nghiên cứu ngay sau khi hoàn thành bảo vệ luận án bậc Tiến sĩ tại LB Nga.
"Quyết định trở về Việt Nam của tôi diễn ra nhanh chóng, không chút chần chừ. Lý do đầu tiên để tôi trở về là vì gia đình, lý do thứ 2 là muốn khẳng định bản thân ngay trên chính Tổ quốc của mình và đến giây phút này, tôi thấy quyết định của mình hoàn toàn đúng.
Việc tôi có thể tiếp tục con đường nghiên cứu của mình ở Việt Nam là một may mắn rất lớn. May mắn là vì tôi về đúng vào thời điểm khoa học Việt Nam đang có nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt là sự hỗ trợ của Nafosted - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia giúp những người trẻ mới về nước như tôi có thể tiếp tục hướng nghiên cứu của mình” - anh Hiếu tâm sự.
Anh Hiếu cho rằng, bất cứ ai yêu quê hương cũng đều muốn đóng góp cho đất nước. Việc chọn về Việt Nam để tiếp tục con đường nghiên cứu, mong muốn những sản phẩm mà mình nghiên cứu được gắn với 2 chữ “Việt Nam” chính là để thể hiện tình yêu đó.
|
TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu đạt Giải trẻ Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020. Ảnh: NVCC |
"Gia tài khủng" ở tuổi 35
TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu làm việc trong lĩnh vực Vật lý lý thuyết và tính toán. Hướng nghiên cứu chính của anh là tán xạ điện tử. Ngoài ra anh cũng quan tâm đến tính chất quang học và điện môi của vật liệu, đặc biệt là vật liệu hai chiều.
“Cha tôi làm việc tại Thư viện Thành phố Nha Trang nên thời học sinh tôi có cơ hội được đọc nhiều sách báo khoa học thường thức. Những ngày đầu, tôi đọc là vì tò mò, nhưng sau đó việc đọc sách báo đã trở thành niềm đam mê, một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi.
Tôi hay đọc những câu chuyện khoa học, chuyện kể về cuộc đời và sự nghiệp các nhà khoa học. Trong số đó, nhà khoa học mà tôi ngưỡng mộ nhất là Marie Curie. Có lẽ chính vì vậy mà tôi đã đăng ký thi đại học vào ngành Vật lý, mặc dù thời phổ thông tôi thích Toán hơn”, anh Hiếu kể lại.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học ở Trường chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Khánh Hòa), anh thi đỗ vào lớp Cử nhân Tài năng, khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Sau 1 học kỳ, anh nhận được học bổng đi Nga học về Vật lý điện tử tại Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Volgograd.
Anh kể: “Quãng thời gian du học ở Nga đã cho tôi cơ hội được tiếp thu một nền giáo dục mang tính nhân văn sâu sắc, trong đó người học được đào tạo và rèn luyện cả kiến thức chuyên môn lẫn tinh thần kỷ luật. Trong quá trình học, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc và có hệ thống. Chỉ có dựa trên một nền tảng như vậy, người học mới có thể tự mình đi tiếp trên con đường nghiên cứu khoa học mà không có thầy hướng dẫn”.
Tại Nga, TS Hiếu đã gặt hái được không ít giải thưởng như 1 giải Nhất cuộc thi Olympic Toán cấp trường (2008), 1 giải Ba tại Hội nghị khoa học cấp khu vực dành cho các nhà nghiên cứu trẻ (2008), 1 giải Nhất tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường (2009) và 1 giải Nhất (lĩnh vực Vật lý) trong Hội nghị quốc tế Lomonosov dành cho các nhà nghiên cứu trẻ tại Đại học Quốc gia Moskva (2013). Cùng với đó, TS Hiếu cũng lần lượt lấy bằng Cử Nhân (2009), Thạc sĩ (2011) và Tiến sĩ (2015) tại Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Volgograd.
Trở về Việt Nam, TS Hiếu bắt đầu công việc nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, sau đó chuyển công tác sang Viện Tiên tiến Khoa học vật liệu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Hiện tại, ở tuổi 35, TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu sở hữu những thành tích nổi bật: 13 bài báo được đăng trên Viện Thông tin Khoa học, Hoa Kỳ; đạt Giải trẻ Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020; có tên trong danh sách 100 nhà khoa học xuất sắc nhất Châu Á của tạp chí Asian Scientist...
Công trình nổi bật và giúp TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu gặt hái nhiều giải thưởng nhất cho đến thời điểm hiện tại là “Quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu”.
Nghiên cứu tại Việt Nam, anh luôn chú trọng vào chất lượng nhằm tạo dựng uy tín trong cộng đồng khoa học Việt Nam. Thời gian sắp tới, TS Hiếu vẫn tiếp tục nghiên cứu tán xạ điện tử, đồng thời mở rộng sang cho vật liệu hai chiều vì tiềm năng ứng dụng rất lớn của vật liệu này trong tương lai. Anh quan tâm các quá trình điện động lực học khi bắn chùm điện tử lên vật liệu hai chiều, cũng như tính chất quang học và điện môi của vật liệu.
Ngoài ra, anh cũng mong muốn xây dựng được một lực lượng nghiên cứu kế thừa. Anh cho rằng, việc đóng góp và cho đi sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ nói riêng và xã hội nói chung.
Mỗi công trình nghiên cứu đều gắn với 2 chữ "Việt Nam"
Cùng chung mong muốn được đóng góp cho quê hương, TS Đoàn Lê Hoàng Tân (33 tuổi) - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR), Đại học Quốc gia TPHCM - quyết định trở về Việt Nam sau khi nghiên cứu hậu tiến sĩ 2 năm tại Nhật Bản với tâm niệm cần phát triển mạnh hơn nữa công nghệ vật liệu tại Việt Nam.
“Trong thời gian nghiên cứu 4 tháng ở Hàn Quốc và 2 năm tại Nhật Bản, tôi đã nghĩ cần học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài sau đó về Việt Nam tiếp tục phát triển. Có thể mình tổng hợp vật liệu đó ở nước ngoài thì dễ hơn, đẩy nhanh tiến độ hơn nhưng khi công bố thì lại gắn với địa chỉ nước ngoài nên tôi quyết định về Việt Nam. Tôi nghĩ, nghiên cứu ở đâu cũng đều là đóng góp cho nền khoa học, nhưng nếu mình nghiên cứu ở Việt Nam thì sẽ giúp tạo ra những sản phẩm của người Việt và ở Việt Nam” - TS Tân chia sẻ.
|
TS Đoàn Lê Hoàng Tân. Ảnh: Hoài Anh |
Với mong muốn quảng bá hơn nữa hình ảnh của Việt Nam đối với các nhà khoa học trên thế giới, các công trình nghiên cứu, vật liệu mới của anh Tân trước khi công bố đều đặt tên đầu VNU (Vietnam National University) + mã số, để vừa có thể quảng bá trường mình và quảng bá hình ảnh Việt Nam.
“Phải làm ở Việt Nam thì mới góp phần gia tăng uy tín cho cộng đồng ngành khoa học Việt Nam. Vì khi đăng công bố các bài báo quốc tế sẽ có thông tin về địa chỉ Đại học Quốc gia TPHCM, hay mình có thể tự đặt tên loại vật liệu mình nghiên cứu ra. Cứ như thế lâu dần, hai tiếng Việt Nam sẽ được nhắc đến nhiều hơn trong cộng đồng khoa học quốc tế. Tôi nghĩ mình đang đứng trên vai người khổng lồ, nhưng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để tiếp bước người đi trước” - TS Đoàn Lê Hoàng Tân chia sẻ thêm.
Thời điểm hiện tại, anh Tân đang nghiên cứu hướng phát triển vật liệu mới trong ứng dụng y sinh. Nhớ lại những ngày đầu, Phó Giám đốc Trung tâm INOMAR cho biết: Khi chọn con đường nghiên cứu, đặc biệt là lĩnh vực vật liệu mới (lĩnh vực rất mới tại Việt Nam thời điểm đó và cho đến hiện nay) rất gian nan.
"Các hướng nghiên cứu về vật liệu truyền thống chưa thực sự đột phá nên tôi muốn tìm cho mình hướng đi mới mẻ hơn. Thời điểm 2010, việc nghiên cứu về vật liệu MOF ở Việt Nam rất mới. Đây là hướng nghiên cứu tiệm cận với thế giới, với rất nhiều ứng dụng mang lại ý nghĩa trong cuộc sống" - TS Đoàn Lê Hoàng Tân chia sẻ về lý do theo đuổi nghiên cứu vật liệu mới.
Mới đây, anh và nhóm nghiên cứu đã tìm chất dẫn truyền dược chất kháng ung thư. Anh Tân nhận thấy, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM - nơi anh học tập và công tác trước khi chuyển công tác về INOMAR - có nhiều nhóm nghiên cứu về các dược chất có sẵn trong thiên nhiên từ các loại cây thuốc. Trong đó, nhiều dược chất có hoạt tính kháng ung thư khá tốt.
Nhưng khi tìm hiểu sâu, anh nhận thấy có nhiều dược chất lại kém tan trong nước. Do vậy, khi bào chế thành thuốc tiêm hoặc thuốc uống cho người bệnh ung thư, dược tính của chúng sẽ bị giảm do việc hấp thụ điều trị bệnh không được hiệu quả cao như kỳ vọng.
Ngoài ra, có dược chất khi vào cơ thể lại không hoàn toàn đến đúng khối u hay tế bào ung thư cần điều trị, ảnh hưởng đến các tế bào khác xung quanh, không có lợi cho người bệnh.
“Tôi nghĩ bản thân phải làm “cái gì đó” mà có thể chứa được dược chất, dẫn truyền đến đúng vị trí, nói vui là đi đúng địa chỉ cần đến, giảm chi phí điều trị bệnh ung thư. Sau đó, tôi và nhóm đã nghiên cứu, thiết kế, phát triển được vật liệu nano phân hủy sinh học dùng để mang và dẫn truyền dược chất kháng ung thư” - TS Tân kể.
Sau 1 năm từ khi hình thành ý tưởng đến thành công, nhóm nghiên cứu của anh đã tìm ra phương pháp dẫn truyền thuốc trúng đích luôn mang tính cấp thiết trong điều trị ung thư.
TS Đoàn Lê Hoàng Tân cho biết: “Vật liệu nano mà chúng tôi nghiên cứu, thiết kế thành công này giống như một chiếc xe tải tự hành thông minh vận chuyển dược chất đến đúng khối u. Đặc biệt, sau khi giải phóng dược chất tại tế bào ung thư, các hạt nano sẽ tự phân hủy thành những phân mảnh nhỏ và thải loại ra khỏi cơ thể sau khi qua màng lọc của thận".
Kết quả nghiên cứu về vấn đề này đã được nhóm công bố nhưng thực tế từ nghiên cứu đến ứng dụng là một quá trình dài, cần có sự tham gia của nhiều bên, đặc biệt là các doanh nghiệp. Vì thế, anh luôn mong muốn các kết quả nghiên cứu này sớm được đưa vào ứng dụng trong thực tế để góp phần vào điều trị ung thư hiệu quả.
Những ngã rẽ để đến với thành công
Trước khi là 1 trong 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2020 trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học sáng tạo, 1 trong 10 nhà khoa học trẻ toàn quốc nhận giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên “Quả cầu vàng”, Phó Giám đốc Trung tâm INOMAR Đoàn Lê Hoàng Tân đã có nhiều ngã rẽ trên con đường sự nghiệp và học vấn.
Chia sẻ về ngã rẽ đầu tiên của cuộc đời, anh Tân kể: “Tôi may mắn khi càng tìm hiểu thì càng yêu thích môn Hóa và kỳ thi năm đó được điểm cao, được chọn vào lớp cử nhân tài năng Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM”.
Sau khi tốt nghiệp loại giỏi chương trình cử nhân tài năng này, anh Tân đứng trước 2 lựa chọn: Làm việc ở một doanh nghiệp nước ngoài hay tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu. Dành nhiều thời gian cân nhắc, tham khảo ý kiến từ gia đình, bạn bè và đặc biệt là thầy giáo tại trường, Tân quyết định chọn phương án thứ hai.
Sau đó, anh quyết định ứng tuyển chương trình hợp tác đào tạo tiến sỹ giữa Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học California Los Angeles (UCLA, Hoa Kỳ). Trong quá trình theo học bậc tiến sĩ, từng nhận được không ít lời đề nghị làm việc tại nước ngoài, nhưng Tân đều từ chối. Học hỏi công nghệ và phát triển công nghệ đó tại Việt Nam là lý do quan trọng hàng đầu để anh Tân trở về nghiên cứu tại INOMAR.
Dù con đường nghiên cứu có hàng loạt thách thức trong bao năm qua, nhưng TS HoàngTân không bỏ cuộc, luôn thích thú với các thử thách này như một cách để bản thân trưởng thành hơn. Kể cả với những lần nghiên cứu thất bại không đếm xuể, anh Tân vẫn nhận ra bài học quý cho riêng mình.
Là những người đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về vật liệu mới, đến nay nhóm nghiên cứu của TS Hoàng Tân cũng như Trung tâm INOMAR đã hoàn toàn làm chủ, đủ năng lực đào tạo, nghiên cứu và công bố quốc tế về lĩnh vực này. TS Tân sở hữu một thành tích khoa học đáng nể với 40 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế và trong nước. Trong số đó, có 36 công bố quốc tế, với 31 công bố trên các tạp chí thuộc danh mục Q1 (những tạp chí khoa học uy tín nhất).