Các nhà khoa học cho biết, các mô hình khí hậu cho thấy rằng, sau 3 năm của kiểu thời tiết La Nina ở Thái Bình Dương (thường làm giảm nhẹ nhiệt độ toàn cầu), thế giới sẽ trải qua sự quay trở lại của El Nino - hiện tượng nóng hơn.
Tử thần mang tên nắng nóng
Một số báo cáo cho thấy, 75% dân số thế giới sẽ sống trong nắng nóng chết người và nắng nóng ngày nay giống như một vụ cháy rừng có tính lan nhanh, là nguyên nhân gây ra cái chết của nhiều người. Say nắng chính là một phản ứng báo hiệu nguy hiểm bởi khi cơ thể con người tiếp xúc với nắng gắt, sẽ bị đẩy tới giới hạn chịu đựng. Ánh nắng chiếu trực tiếp vào đỉnh đầu, gáy, thái dương sẽ tàn phá vùng điều hòa thân nhiệt của hệ thần kinh, khiến cơ thể bị đẩy vào trạng thái hoa mắt, chóng mặt... Khi đó, thân nhiệt tăng vọt khiến người ta toát mồ hôi nhiều hơn để cân bằng nhiệt độ nhưng lại dẫn tới tình trạng mất nước mà nếu không được bổ sung kịp thời sẽ dẫn đến rối loạn, tụt huyết áp rồi mất dần nhận thức, bị ảo giác, hôn mê và co giật..., thậm chí tử vong.
|
Nắng nóng đã thiêu rụi nhiều khu vực ở châu Á trong năm nay, đe dọa mùa màng ở những nơi như Malaysia.
|
Ở Ấn Độ, trong tháng 6 vừa qua, một số khu vực đã ghi nhận mức nhiệt độ cao ngất khiến gần 100 người thiệt mạng. Chính quyền New Delhi buộc phải ra khuyến cáo người dân hạn chế ra đường. Theo các nhà chức trách, những người tử vong đa số trên 60 tuổi, có bệnh nền với nguy cơ trầm trọng hơn do nắng nóng gay gắt. Trước đó, vào hồi tháng 4, Ấn Độ cũng đã ghi nhận gần 50 người thiệt mạng vì nắng nóng.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh phải đưa ra cảnh báo cam cho nhiệt độ cao lần đầu tiên trong năm 2023. Các khu vực có vùng nắng nóng gay gắt ở Trung Quốc gồm Nội Mông, Liêu Ninh và Tân Cương với nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C. Năm nay, nắng nóng khắc nghiệt đã tàn phá nhiều vùng của quốc gia tỷ dân này còn sớm hơn năm 2022, ảnh hưởng nhiều tới vật nuôi và cây trồng..., làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực. Từ tháng 3/2023, nhiệt độ ở hàng chục thành phố của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục theo mùa. Ở nhiều khu vực, lợn, chim, thỏ và cá chết vì nhiệt độ quá cao; còn những cánh đồng lúa mỳ ở miền Trung Trung Quốc thì bị ngập lụt do lượng mưa lớn nhất trong một thập kỷ.
Chưa hết, người ta còn lo ngại rằng, hạn hán có thể tấn công lưu vực sông Dương Tử, vùng trồng lúa chính của Trung Quốc trong những tháng tới. Như hồi cuối tháng 5, chỉ vài ngày trước thời điểm thu hoạch, mưa lớn làm ngập các cánh đồng lúa mỳ ở Hà Nam, một tỉnh miền Trung chiếm 1/4 sản lượng lúa mỳ của Trung Quốc. Theo ước tính gần đây của Trung tâm khí hậu quốc gia Trung Quốc, từ tháng 5 đến tháng 9, "hạn hán và lũ lụt có thể xảy ra đồng thời" với nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan hơn như mưa lớn và sóng nhiệt. Trong một báo cáo nghiên cứu công bố hồi trung tuần tháng 6, Sheng Xia, Trưởng bộ phận phân tích nông nghiệp của Citic Securities cũng cảnh báo về các mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh lương thực toàn cầu trong năm nay do hiện tượng El Nino gây ra.
Những cảnh báo mới
Các phân tích khoa học cho thấy, trong khi diễn ra El Nino, gió thổi về phía Tây dọc theo đường xích đạo chậm lại và nước ấm bị đẩy về phía Đông, tạo ra nhiệt độ bề mặt đại dương ấm hơn. "El Nino thường liên quan đến nhiệt độ phá vỡ kỷ lục ở cấp độ toàn cầu. Hiện vẫn chưa biết điều này sẽ xảy ra vào năm 2023 hay 2024, nhưng theo tôi, nó có nhiều khả năng xảy ra từ giữa mùa hè năm nay và phát triển mạnh vào cuối năm", Carlo Buontempo, Giám đốc Copernicus - cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) nói.
Đến nay, thế giới ghi nhận năm nóng nhất là 2016, trùng với El Nino mạnh - mặc dù biến đổi khí hậu đã thúc đẩy nhiệt độ khắc nghiệt ngay cả trong những năm không có hiện tượng này. 8 năm qua là 8 năm nóng nhất được ghi nhận trên Trái Đất - phản ánh xu hướng nóng lên trong dài hạn do phát thải khí nhà kính. Friederike Otto, giảng viên cao cấp tại Viện Grantham của Đại học Hoàng gia London (Anh) nhận định, nhiệt độ do El Nino gây ra có thể làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang trải qua, bao gồm các đợt nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng. "Nếu El Nino phát triển, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016 - xét đến việc Trái Đất tiếp tục ấm lên khi con người đốt nhiên liệu hóa thạch", Friederike Otto cho biết.
|
El Nino thúc đẩy thiên tai, gây lũ lụt nghiêm trọng, làm hư hại cơ sở hạ tầng và tác động xấu đến các nền kinh tế. |
Hồi đầu tháng 6, các nhà khoa học ở Copernicus đã công bố một báo cáo đánh giá các điều kiện khí hậu cực đoan mà thế giới đã trải qua vào năm ngoái, năm nóng thứ 7 được ghi nhận. Theo đó, châu Âu trải qua mùa hè nóng kỷ lục vào năm 2022, trong khi mưa cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt thảm khốc ở Pakistan và vào tháng 2, mực nước biển ở Nam Cực xuống mức thấp kỷ lục. Copernicus cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu của thế giới hiện cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Và mặc dù hầu hết các nhà phát thải lớn trên thế giới cam kết cuối cùng sẽ cắt giảm lượng khí thải ròng xuống 0, lượng khí thải CO2 toàn cầu năm ngoái vẫn tiếp tục tăng.
Vậy El Nino có thể tác động đến khí hậu trên Trái Đất như thế nào? Nhà khí tượng học Michelle L'Heureux thuộc Trung tâm Dự báo khí hậu của Cơ quan Quản lý khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) chỉ rõ: "El Nino là một kiểu khí hậu tự nhiên sinh ra từ vùng nước ấm bất thường ở phía Đông Thái Bình Dương.Trong thời kỳ El Nino 2015-2016, trữ lượng cá cơm ngoài khơi bờ biển Peru đã giảm và gần 1/3 số san hô trên rạn san hô Great Barrier của Australia đã chết. Sự tích tụ nước ấm ở phía Đông Thái Bình Dương này cũng truyền nhiệt cao vào khí quyển thông qua sự đối lưu, tạo ra giông bão. Sự thay đổi trong hoạt động của bão này ảnh hưởng đến luồng không khí di chuyển nhanh, làm thay đổi thời tiết trên khắp thế giới, được gọi là luồng phản lực cận nhiệt đới, đẩy đường đi của nó về phía Nam và biến nó thành một luồng phẳng hơn, mang lại thời tiết tương tự dọc theo các vĩ độ giống nhau. Trong thời gian xảy ra El Nino, miền Nam nước Mỹ có thời tiết mát mẻ và ẩm ướt, trong khi các khu vực ở miền Tây nước Mỹ và Canada ấm hơn, khô hơn. Hoạt động của bão chậm lại khi các cơn bão không hình thành ở Đại Tây Dương nhưng các cơn bão nhiệt đới lại tăng cường ở Thái Bình Dương. Một số khu vực ở Trung và Nam Mỹ có lượng mưa lớn, mặc dù rừng nhiệt đới Amazon có xu hướng chịu điều kiện khô hạn hơn. Còn Australia phải chịu đựng nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán và cháy rừng... Năm nay, trước khi El Nino bắt đầu, vào tháng 5, nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu cao hơn khoảng 0,1 độ C so với bất kỳ nhiệt độ nào khác được ghi nhận. Điều đó có thể tăng thêm thời tiết khắc nghiệt".
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 5/2023 trên tạp chí Science, El Nino năm nay có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế toàn cầu lên tới 3.000 tỷ USD, làm giảm GDP do thời tiết khắc nghiệt làm suy giảm sản xuất nông nghiệp, sản xuất và khiến lây lan dịch bệnh. Chính phủ ở các nước dễ bị tổn thương đang rất lưu ý về vấn đề này. Peru đã dành ra 1,06 tỷ USD để đối phó với các tác động của El Nino và biến đổi khí hậu, trong khi Philippines (quốc gia có nguy cơ bị lốc xoáy) đã thành lập một nhóm chính phủ đặc biệt để xử lý bụi phóng xạ.
Tom DiLiberto, nhà khí tượng học của NOAA cho biết, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến El Nino, thậm chí làm gia tăng gấp đôi tác động của El Nino - lớp nhiệt chồng lên lớp nhiệt, hoặc lượng mưa dư thừa chồng lên lượng mưa dư thừa. Nhưng một điểm đáng chú ý là các nhà khoa học cũng không chắc chắn liệu biến đổi khí hậu có làm thay đổi sự cân bằng giữa El Nino và La Nina hay không, hoặc khiến cho một mô hình diễn ra thường xuyên hơn hay ít hơn. "Nếu nhiệt độ đại dương đang tăng lên trên diện rộng, thì không có khả năng chu kỳ sẽ thay đổi, vì các cơ chế cơ bản đằng sau hiện tượng này vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, nếu một số vùng của đại dương đang nóng lên nhanh hơn những vùng khác, điều đó có thể ảnh hưởng đến cách El Nino diễn ra bằng cách khuếch đại sự chênh lệch nhiệt độ", Tom DiLiberto nhận định.