Guardian dẫn lời các nhà nghiên cứu cho biết những con voi ma mút đực thường xuyên di chuyển một mình và gặp nguy hiểm khi không có sự trợ giúp từ bầy đàn. Chúng bị rơi xuống sông, xuyên qua các lớp băng hoặc đầm lầy. Đây được cho là nguyên nhân khiến hóa thạch của voi ma mút đực trở nên phổ biến.
Ngược lại, những con cái thường đi theo bầy và được lãnh đạo bởi một cá thể lớn tuổi, am hiểu địa hình và biết cách lẩn tránh nguy hiểm.
|
Thói quen di chuyển một mình khiến các cá thể voi ma mút đực dễ tử vong. Ảnh: Getty. |
"Không sống theo bầy và thiếu con đầu đàn, voi ma mút đực dễ tử vong hơn so với những cá thể cái", nhà nghiên cứu Love Dalen từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thụy Điển cho biết.
Ông cùng các cộng sự đã nghiên cứu gen để xác định giới tính của 98 hóa thạch voi ma mút ở Siberia. Kết quả cho thấy khoảng 69% mẫu vật là voi đực.
Điều này khiến các nhà khoa học đặt giả thiết thói quen và cách sinh sống có thể đã ảnh hưởng tới lượng voi ma mút đực tử vong trong Kỷ Băng Hà.
Nghiên cứu chỉ rõ những phần cơ thể của voi ma mút được tìm thấy tại Siberia không có nhiều biến đổi bởi chúng bị chôn vùi và được bảo tồn kỹ lưỡng khỏi tác nhân bên ngoài.
Voi ma mút là một trong những loài động vật lớn nhất thế giới, biến mất khỏi Trái Đất khoảng 4.000 năm trước. Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn tới sự tuyệt chủng của loài voi ma mút này.
Hồi tháng 7, tỷ phú Peter Thiel, nhà sáng lập Paypal, đã đầu tư vào dự án khoa học tham vọng nhằm làm sống lại những con voi khổng lồ. Họ thực hiện việc ghép ADN bằng phương pháp phẫu thuật gene CRISPR, dựa trên các gene của voi ma mút, để làm biến đổi gene trong những con voi hiện đại.