Những sự việc kỳ lại này đã khiến cả thị trấn Minamata trở nên hoang mang. Nhưng họ không thể ngờ được rằng đó lại là những dấu hiệu khởi đầu cho một trong những vụ ô nhiễm công nghiệp kinh khủng nhất trong lịch sử loài người.
Hiện tượng mèo “tự tử”
Thị trấn nhỏ Minamata nằm trên bờ biển phía Tây của đảo cực Nam Kyushu của Nhật Bản. Câu chuyện về căn bệnh gắn liền với tên thị trấn này có lẽ bắt đầu từ những năm 1930, khi Minamata vẫn đang là một ngôi làng nhỏ nghèo khó với đa số dân cư sống bằng nghề trồng trọt và đánh bắt cá.
Ngôi làng nhỏ và Vịnh Minamata gần kề tạo thành một hệ sinh thái gần như khép kín: Vịnh là nguồn cung cấp cá và cũng là nơi cung cấp nguồn protein chủ đạo cho người dân ở khu vực cho đến giữa những năm 1950.
Năm 1908, công ty Chisso mở nhà máy hóa chất đầu tiên ở Minamata. Ban đầu, nhà máy chỉ sản xuất phân bón nhưng sau đó bắt đầu mở rộng sang sản xuất nhiều sản phẩm khác như acetylene, acetaldehyde, acid acetic, vinyl chloride… Ngay từ trước Thế chiến II, đây đã là một trong những nhà máy sản xuất hóa chất hiện đại nhất của Nhật Bản và là một phần không thể thiếu của nền kinh tế địa phương.
Ở một số thời điểm, một nửa doanh thu thuế của Minamata do Chisso và các nhân viên của công ty đóng góp. Chisso và các công ty con cũng tạo đến 25% việc làm ở Minamata. Chất thải từ hoạt động sản xuất các hóa chất nói trên đều được công ty xả thẳng ra biển thông qua hệ thống đường ống dẫn nước thải.
|
Một số nạn nhân bị bệnh Minamata. |
Năm 1932, Chisso bắt đầu sản xuất acetaldehyde, chất được dùng để sản xuất nhựa và hoạt động sản xuất chất này bùng nổ mạnh mẽ vào sau Thế chiến II. Hoạt động này khiến cho nền kinh tế địa phương phát triển hơn, phần lớn người dân cũng hài lòng hơn khi đời sống của họ được nâng cao.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, người ta phát hiện cá bắt đầu chết và trôi dạt vào vùng Vịnh Minamata. Cùng lúc, người ta cũng phát hiện những chú mèo ở trong vùng bắt đầu có những hành động kỳ cục như nhảy nhót lung tung, mà đôi khi có thể khiến chúng rơi xuống biển và chết, mà người dân trong vùng khi thấy vậy gọi là hiện tượng “mèo tự tử”.
“Bệnh lạ” lây lan sang người
Đến đầu những năm 1950, những hành vi tương tự bắt đầu xuất hiện, dù không thường xuyên và không được chú ý đến nhiều, ở người. Một số người dân bỗng nhiên có thể bị ngã khi đang đi, không thể viết hay nhấn vào những nút nào đó, khó nuốt, khó nghe hay run rẩy không kiểm soát được. Một số trường hợp bệnh nặng sau đó còn bị méo mồm hay bị liệt.
Một người dân địa phương tên Tsuginori Hamamoto đã tả về người cha mắc bệnh của mình, một ngư dân địa phương tên Sohachi, như sau: “Buổi đêm, cha tôi hay mất khả năng giữ thăng bằng và được phát hiện đang nổi trên mặt nước do bị rơi ra khỏi thuyền.
Ông ấy không thể tự đi dép, đi bộ một cách bình thường và cũng không hiểu được những gì người khác nói với ông ấy. Vào một đợt bệnh tình trở nặng, ông được đưa vào viện. Dù đã bị trói chặt vào giường nhưng ông ấy vẫn nhảy múa điên cuồng, nói những từ ngữ không ai hiểu, sau đó chảy nước miếng và co giật.
Sau đó, ông tự lấy tay cào vào người mình đến tứa máu”. Người đàn ông này cho hay, ban đầu, khi chứng kiến bệnh tình của cha anh, mẹ anh đã không ít lần bật khóc vì bất lực nhưng sau đó, bản thân bà cũng có những triệu chứng tương tự. “Bố tôi qua đời sau 7 tuần bệnh nặng. Mẹ tôi mất sau đó 9 năm”, anh kể.
Đến năm 1956, số người có những biểu hiện như vậy gia tăng đột biến, khiến người dân địa phương bắt đầu hoang mang. Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Người thì bảo đó là do não bộ bị nhiễm virus, người bảo là do nghiện rượu, người nói do di truyền, có người nói là bệnh truyền nhiễm…, thậm chí có người còn cho rằng đó là do bệnh giang mai.
Bệnh lạ có xu hướng tăng đã khiến người dân địa phương vô cùng hoảng sợ. Nhưng, ở thời điểm đó, họ chỉ gọi đó là “bệnh mèo nhảy múa” hay “bệnh lạ” chứ hoàn toàn chưa biết là bệnh gì.
Vùng nghi vấn dọc bờ biển Minamata
Để điều tra căn bệnh nói trên, vào giữa năm 1956, chính quyền Minamata và các cơ quan y tế địa phương đã lập Ủy ban đối phó bệnh lạ nhằm xác định căn bệnh, nguyên nhân cũng như cách điều trị. Do tính chất cục bộ của bệnh nên giới chức địa phương thậm chí đã tiến hành phun khử trùng nhằm tránh khả năng bệnh lây lan.
Tháng 8/1956, Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kumamoto được thành lập nhằm nghiên cứu sâu về bệnh. Qua đó, họ phát hiện rằng những nạn nhân bị bệnh thường là thành viên của cùng 1 gia đình và sinh sống ở các làng chài ở dọc các bờ biển của Vịnh Minamata.
Thức ăn chủ yếu của các nạn nhân chính là nguồn cá và những động vật có vỏ mà họ đánh bắt được ở Vịnh Minamata. Những con mèo trong khu vực đã tử vong với cùng triệu chứng dường như đã ăn đồ ăn thừa từ các gia đình này.
Đến ngày 4/11/1956, nhóm nghiên cứu công bố các phát hiện đầu tiên, theo đó khẳng định: “Bệnh Minamata nhiều khả năng là do ngộ độc kim loại nặng, có thể đã xâm nhập vào cơ thể người qua cá và các động vật có vỏ”. Ở thời điểm này đã có 40 bệnh nhân được phát hiện, trong đó có 14 người đã tử vong, tức tỉ lệ tử vong lên đến 35%.
Ngay sau khi cuộc điều tra xác định kim loại nặng là tác nhân gây bệnh, nước xả thải từ nhà máy Chisso ngay lập tức bị tình nghi là thủ phạm. Kết quả kiểm tra về sau cho thấy nước thải của nhà máy có chứa nhiều kim loại nặng với nồng độ đủ cao để gây suy thoái môi trường nghiêm trọng, trong đó có chì, thủy ngân, asen…
Tháng 3/1958, nhà thần kinh học người Anh Douglas McAlpine tới Nhật và gợi ý rằng những triệu chứng của bệnh Minamata giống với nhiễm độc thủy ngân hữu cơ. Do vậy nên các nhà điều tra đã tập trung vào thủy ngân.
Tháng 2/1959, kết quả xác định mức độ tập trung thủy ngân Vịnh Minamata đã khiến các nhà nghiên cứu bị sốc: Hàm lượng thủy ngân lớn đã được phát hiện trong các loài cá, sò và bùn ở vịnh, trong đó mức độ tập trung cao nhất ở xung quanh kênh xả thải của nhà máy Chisso và giảm dần khi ra biển.
Mẫu tóc của các nạn nhân cũng được thu thập để phân tích và cũng được phát hiện có hàm lượng chì rất cao. Tháng 11/1959, Bộ Y tế Nhật Bản công bố kết quả điều tra xác nhận bệnh Minamata là do nạn nhân đã tiêu thụ một lượng lớn cá và động vật có vỏ sống ở Vịnh Minamata và các khu vực xung quanh, tác nhân gây bệnh được xác định là hợp chất thủy ngân hữu cơ.
Hậu quả dai dẳng
Ở thời điểm kết luận trên được đưa ra, đã có gần 100 bệnh nhân được xác định, trong đó có 20 người đã tử vong. Đáng chú ý, khi bị nghi ngờ là nguyên nhân gây bệnh, Chisso đã đổi hướng xả thải, bắt đầu xả trực tiếp ra sông Minamata, khiến cho cá ở cửa sông này chết hàng loạt, đồng thời cũng có thêm những nạn nhân khác sống ở ven biển Shiranui mắc bệnh do nguồn ô nhiễm lan rộng.
Tháng 10/1959, Bộ công nghiệp và thương mại quốc tế Nhật Bản yêu cầu công ty Chisso đưa đường ống dẫn nước thải đổ ra sông Minamata trở lại cảng Hyakken và thiết lập hệ thống xử lý nước thải. Dù vậy nhưng về sau vẫn có thêm nhiều trẻ em được sinh ra bị bệnh. Bệnh Minamata sau đó tiếp tục bùng phát ở tỉnh Niigata vào năm 1965 do nhà máy của Showa Denko xả thải thủy ngân tương tự ra sông Agano.
Sau một phiên tòa kéo dài bốn năm, đến năm 1973, Tòa án tại Nhật Bản đã buộc Chisso phải bồi thường cho những người được xác định là nạn nhân của công ty. Số tiền bồi thường 3,4 triệu USD mà công ty này bị buộc phải thanh toán cho các nạn nhân là số tiền lớn nhất từng được tòa đưa ra tính đến thời điểm đó.
Tính đến cuối năm 2014, theo bộ tiêu chí được Chính phủ Nhật Bản ban hành năm 1977, đã có 2.978 người được chính thức công nhận là nạn nhân của bệnh Minamata, trong đó có hơn 1.000 người đã qua đời. Khoảng 11.000 cũng đã được nhận trợ cấp do có các triệu chứng nhất định sau khi ăn cá nhiễm độc.
Ngoài ra, còn hàng nghìn người khác cũng khẳng định họ là nạn nhân của bệnh nhưng không hoặc chưa được công nhận. Cho đến nay, họ vẫn đang phải chật vật đối phó với những hậu quả nghiêm trọng do hành vi vô trách nhiệm của các công ty hóa chất nửa thế kỷ trước.